Kinh nghiệm thế giới
Tại Cộng hòa Pháp, Chính phủ đã ban hành chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo với 4 mục tiêu chính: Bảo đảm an ninh cung cấp năng lượng; đấu tranh chống biến đổi khí hậu; nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế thông qua tiết kiệm năng lượng; tạo công ăn việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và năng lượng tái tạo.
Đối với khu vực tòa nhà – nơi tiêu thụ năng lượng nhiều nhất (chiếm 42,5%) và thải ra 23% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Chính phủ Pháp đã ban hành quy định bắt buộc phải đánh giá hiện trạng hiệu suất sử dụng năng lượng đối với các hoạt động bán và cho thuê nhà. Trong các tòa nhà, nếu sử dụng các thiết bị có hiệu quả năng lượng cao, người sử dụng sẽ được khấu trừ thuế ở mức tương đương từ 25% - 40% chi phí thiết bị và được khấu trừ ở mức 50% nếu mua các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo.
Hệ thống truyền thông của Pháp được phân cấp tới 26 cơ quan đại diện cấp vùng, với mục đích truyền tải thông tin một cách tốt nhất, nhanh nhất tới đối tượng cần tác động. Đó là cách duy nhất để tạo ra thay đổi trong hành vi, không chỉ đối với chuyên gia năng lượng, mà còn đối với các tác nhân kinh tế, truyền thông, giáo dục và xã hội dân sự. Hiện đã có 200 điểm Thông tin Năng lượng do 350 chuyên gia tư vấn phụ trách, với hơn một triệu lượt người được thông tin miễn phí hàng năm.
Trong khi đó, tại Thái Lan đã thành lập một quỹ riêng (ENCON) chuyên tài trợ cho các hoạt động nâng cao hiệu quả năng lượng. Với nguồn thu khoảng 50 triệu USD/năm, ENCON cho phép tài trợ nhiều hoạt động khác nhau như: Thông tin, tuyên truyền, tăng cường năng lực, triển khai các dự án trọng điểm, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn, khuyến khích phát triển các loại năng lượng thay thế cho dầu lửa…
Quỹ ENCON còn rót vốn cho một quỹ lưu động có tên gọi Energy Conservation Promotion Fund (ECP). Quỹ này được dành cho mục đích khuyến khích các ngân hàng cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án sử dụng hiệu quả năng lượng. Các khoản vay do ngân hàng chấp thuận, có thể lên tới 1,2 triệu USD cho một dự án, lãi suất dưới 4%/năm và thời hạn hoàn vốn là 7 năm. Vụ Phát triển các loại năng lượng thay thế và hiệu quả năng lượng Thái Lan là đơn vị hỗ trợ về mặt kỹ thuật.
Bên cạnh đó, hơn 4.900 tòa nhà và nhà máy tiêu hao nhiều năng lượng ở Thái Lan còn chịu sự điều tiết của một loạt các quy định như, quy định bắt buộc chỉ định một người phụ trách về năng lượng; công bố hàng tháng mức tiêu hao năng lượng; xây dựng các mục tiêu về sử dụng năng lượng hiệu quả và kế hoạch hành động cụ thể; tiến hành đầu tư, quy định bắt buộc về theo dõi kết quả tiết kiệm.
Chính phủ Pháp yêu cầu phải đánh giá hiện trạng hiệu suất sử dụng năng lượng đối với các tòa nhà. (Ảnh minh họa)
|
Còn với Việt Nam…
Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, nhu cầu năng lượng, đặc biệt là, nhu cầu về điện cho sản xuất và sử dụng ngày càng tăng. Dự báo nhu cầu năng lượng của cả nền kinh tế và các ngành sản xuất, dịch vụ sẽ tăng khoảng 22 – 25%/năm. Mặc dù đã triển khai nhiều dự án lớn nhằm xây dựng các nhà máy điện, song Chính phủ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đối phó với tình trạng thiếu điện như hiện nay.
Kể từ khi các văn bản về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành, nhận thức của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã dần dần được nâng lên. Tuy nhiên, năng lực để triển khai các cơ chế hỗ trợ, giám sát và thực hiện còn yếu, sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương chưa được tốt. Giá năng lượng quá thấp, không khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm. Các biện pháp xử phạt còn chưa đủ tính răn đe và thiếu đồng bộ.
Trong nhân dân cũng như đối với doanh nghiệp, ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn hạn chế. Vì thế, Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở đầu tư nhằm tăng cường năng lực sản xuất năng lượng, mà cần nỗ lực để cải thiện hiệu quả năng lượng, đặc biệt là trong việc quản lý sử dụng năng lượng sẽ cho hiệu suất cao hơn so với việc xây dựng các đơn vị sản xuất mới.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng còn rất lớn trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế như: Thiết kế nhà, quản lý và quy hoạch thành phố, tổ chức giao thông, hiện đại hóa các công cụ công nghiệp, hệ thống biểu giá cho năng lượng tái tạo… Chỉ trên cơ sở huy động toàn bộ các tác nhân trong mọi lĩnh vực cùng tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, dưới hình thức này hay hình thức khác, mới có thể hướng đến sự phát triển bền vững cho cả cộng đồng.
Chính vì vậy, các chính sách hiệu quả năng lượng thành công nhất chính là các chính sách kết hợp phát minh đổi mới kỹ thuật, cơ cấu lại tổ chức và thay đổi hành vi.
Liên minh châu Âu đã xây dựng Chính sách năng lượng với tên gọi “3 lần 20”, với 3 mục tiêu chính từ nay đến năm 2020:
* Giảm 20% lượng khí phát thải CO2 (so với mức năm 1990).
* Giảm 20% năng lượng tiêu thụ so với dự báo tiêu thụ xây dựng năm 2020 (giảm 13% so với tiêu thụ năm 2005).
* Nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 20% so với mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng (hiện nay là 9%).
|