Tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước: Động lực phát triển kinh tế

Ngày 2/4/2014, tại Hà Nội, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã  tổ chức Hội nghị "Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước khối doanh nghiệp trung ương đến năm 2015". Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện các Ban của TƯ Đảng, Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ, Thường trực Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương, Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng và các đơn vị thuộc Đảng ủy Khối. Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Hoàng Quốc Vượng - Bí thư Đảng ủy Tập đoàn - Chủ tịch HĐTV EVN tham dự Hội nghị.

Chủ tịch HĐTV EVN Hoàng Quốc Vượng (ngồi thứ 3 từ trái) tham dự Hội nghị tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước do Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức ngày 2/4/2014

Khối DNTW hiện có 32 tập đoàn, tổng công ty và các ngân hàng, trong giai đoạn 2011 - 2015 đã có 28 đơn vị thuộc đối tượng cần xây dựng đề án tái cơ cấu. Đến nay, toàn bộ 28 đơn vị đều đã hoàn thành xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có 24 đề án đã được phê duyệt.

Theo báo cáo của Đảng ủy Khối, tổng số các doanh nghiệp cần thoái toàn bộ vốn nhà nước theo Đề án là 642 DN, số đã thực hiện xong là 167 DN với số vốn đã thoái, thu về ngân sách là 7,8 nghìn tỉ đồng.

Từ nay đến 2015 còn phải tiếp tục thoái vốn tại 472 DN. Song song với thực hiện tái cơ cấu, các DN trong Khối đã nỗ lực duy trì, phát triển kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động. Cơ bản, vốn nhà nước đầu tư vào các DN trong Khối được bảo toàn và tiếp tục phát triển. Nộp ngân sách nhà nước năm 2013 của các DN lên tới 297 nghìn tỷ đồng, tương đương 36,6% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Riêng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên cơ sở Đề án Tái cơ cấu đã được Chính phủ phê duyệt, đến nay EVN đã hoàn thành phương án tái cơ cấu và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2011-2015 của 6 tổng công ty trực thuộc (5 tổng công ty phân phối và 1 tổng công ty truyền tải điện) để đảm bảo chuyên môn hóa trong lĩnh vực kinh doanh chính, không đầu tư dàn trải.

Tập đoàn cũng hoàn thành thoái vốn và giảm vốn tại 7 công ty cổ phần góp vốn đến hết năm 2015. Bên cạnh đó, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các doanh nghiệp trực thuộc cũng được thống nhất về mô hình tổ chức quản lý từ khâu phát điện, truyền tải điện đến phân phối điện để đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đa số lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty cho rằng, việc tái cơ cấu là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước, là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng hiệu quả của doanh nghiệp, cải thiện năng lực tài chính và minh bạch báo cáo tài chính để phát triển. Quá trình tái cơ cấu cũng bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là công tác cổ phần hóa còn chậm, chính sách chưa kịp thời, thị trường chứng khoán suy giảm...

Nhiều kiến nghị cụ thể về cơ chế, giải pháp, các vướng mắc của Đảng ủy Khối, các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng trong Khối đã được đề xuất lên Chính phủ trong đó có việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, bổ sung các quy định riêng điều chỉnh quản lý và hoạt động của các DNNN hoặc xem xét ban hành luật riêng dành cho DNNN phù hợp với những đặc thù về chủ sở hữu...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty trong Khối Doanh nghiệp Trung ương khẩn trương hơn nữa trong sắp xếp DN, đồng thời bám sát chỉ đạo của Chính phủ để làm tốt vai trò dẫn dắt nền kinh tế, giải quyết an sinh xã hội và đảm bảo đời sống của người lao động. Phó thủ tướng cho rằng: Chính phủ sẽ làm hết sức để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu thành công và tiếp tục phát triển.

 


  • 02/04/2014 04:39
  • Lương Nguyên
  • 2556


Gửi nhận xét