Tại sao bạn thường lặp lại sai lầm?

Khi bạn quyết định sẽ không làm một việc gì đó, bạn sẽ lại làm việc đó trong vô thức. Với tính cả nể, bạn bỗng dưng không biết nên lựa chọn thế nào, bạn tự đẩy mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Tại sao bạn thường lặp lại sai lầm?

Trong cuộc sống thường ngày, có phải bạn từng gặp những tình huống thế này không? Sau khi mắc phải một sai lầm nào đó, bạn thề rằng sẽ không bao giờ mắc lại sai lầm ngu ngốc này nữa. Nhưng chẳng bao lâu sau, bạn lại mắc lỗi tương tự. Điều này giống như định luật Murphy đã nói rằng: Khi bạn quyết định sẽ không làm một việc gì đó, bạn sẽ lại làm việc đó trong vô thức.

Đây chính là một cạm bẫy trong định luật Murphy khiến cho rất nhiều người phải đau đầu. Vậy thì, làm thế nào để thoát khỏi cạm bẫy này? Chắc chắn là có cách, đó chính là học cách tự suy ngẫm bản thân.

Cổ nhân từng nói với chúng ta rằng: “Nhất nhật tam tỉnh ngộ thân” (Dịch nghĩa: Mỗi ngày tự nhắc nhở mình ba điều), đây là bài học bắt buộc của một bậc quân tử để tu tâm dưỡng tính.

Nó nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên suy ngẫm, luôn biết tự kiểm điểm bản thân. Chỉ tiếc là, trong thời đại mà nhu cầu về vật chất ngày càng trở nên quan trọng như hiện nay, những người làm được điều này thực sự không nhiều. Chúng ta thường quá chú ý đến người khác và thế giới bên ngoài mà phớt lờ việc nhận thức về chính mình.

Phát hiện những thiếu sót bên ngoài là điều không hề khó, cái khó là tìm ra thiếu sót của chính bản thân mình. Chỉ có tự suy ngẫm mới giúp con người có thể nhận thức sâu sắc về những sai lầm và thiếu sót của bản thân, giúp bản thân biết quay đầu khi lầm đường lạc lối, không đi vào vết xe đổ và tìm thấy hướng đi đúng đắn cho cuộc đời.

Vài năm trước, việc kinh doanh vòng đeo tay bằng hạt gỗ ở Trung Quốc vô cùng tốt, một vài người thấy vậy đã liều lĩnh nhập lậu nguyên liệu gỗ từ một số quốc gia có nền chính trị không ổn định. Tiền đã đặt cọc, các mối quan hệ cần “bôi trơn” cũng đều đã xử lý xong xuôi, ấy thế mà cuối cùng vẫn bị cảnh sát địa phương bắt, nguyên liệu cũng mất, hoàn toàn rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

Những người này sau khi được thả về nước thì ngày ngày oán trách, rằng những người làm ăn ở quốc gia kia không giữ chữ tín, cảnh sát thì như cường đạo... Họ oán trách những người này suốt thời gian dài, nhưng tuyệt nhiên không kiểm điểm, suy xét lại bản thân.

Để kiếm tiền, họ đã đến một quốc gia vốn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm để tiến hành những cuộc móc nối vi phạm pháp luật, cuối cùng dẫn đến hậu quả tiền mất tật mang, vừa phải đền tiền, vừa lâm cảnh tù tội, điều này không thể trách được người khác. Trên mạng có một câu nói rất hay: Không tìm đến chỗ chết thì sẽ không chết, rất phù hợp trong câu chuyện này.

Đối với những thiếu sót dù nhỏ của người khác cũng hiểu rõ tận chân tơ kẽ tóc; trong khi sai lầm và thiếu sót rất dễ nhận thấy của bản thân lại vờ như không thấy. Những người không biết tự suy ngẫm, kiểm điểm sẽ vĩnh viễn sống một cuộc đời tạm bợ, cả ngày chỉ biết oán trách người khác mà không dám kiểm điểm chính mình; những người không biết tự suy ngẫm sẽ thường mắc đi mắc lại một sai lầm ở cùng một vấn đề, ngã lên ngã xuống ở cùng một cái hố.

Ở Mỹ có một vị mục sư đã chủ trì hôn lễ cho rất nhiều cặp đôi. Nhìn bề ngoài, ông có vẻ rất thân thiện dễ gần, nhưng lại vô cùng nghiêm khắc với chính con trai của mình, thường xuyên giáo huấn con trai một cách gay gắt chỉ vì những chuyện rất nhỏ. Hai bố con thường xuyên tranh cãi đến đỏ mặt tía tai.

Một lần, sau khi tranh cãi gay gắt, người con trai đã lựa chọn bỏ nhà ra đi. Vị mục sư lúc đó mới sốt sắng tìm đến một nhà giáo dục ở địa phương, kể về nỗi khổ tâm của mình. Nhà giáo dục còn chưa kịp nói câu nào, vị mục sư đã tức giận kể lể chi tiết từng lỗi lầm của người con trai: lúc nào cũng chống đối cha mẹ, về nhà rất muộn vào buổi tối, lén uống rượu, đánh bị thương bạn cùng lớp trong một trận bóng chày...

Vẫn chưa kể lể xong, vị mục sư đã òa khóc, ông đang rất lo lắng cho sự an nguy của cậu con trai, hơn nữa không hiểu tại sao đứa con trai của mình lúc nào cũng khiến người khác phải lo lắng như thế.

Nghe vị mục sư oán thán, nhà giáo dục ẩn ý sâu xa hỏi rằng: “Mỗi ngày, ngài đều chỉ trích những lỗi lầm của con trai, điều này khiến cậu bé nghĩ rằng bản thân là một đứa trẻ không thể nào tốt lên được, rằng bản thân sẽ không bao giờ được bố yêu mến và tự hào.

Con trai ngài thành ra như vậy, ngài có bao giờ tự hỏi xem bản thân mình có trách nhiệm như thế nào trong việc này không? Ngài ngày ngày gửi những lời chúc phúc đến cho người khác, tại sao lại không thể khoan dung và ngợi khen con trai của chính mình nhiều thêm một chút?”

Những lời của nhà giáo dục khiến vị mục sư bỗng chốc tỉnh ngộ. Với cương vị là một người cha, ông quả thực chưa làm tốt trách nhiệm của mình. Ông luôn chỉ biết oán trách con mà chưa từng nghĩ rằng, có nhiều việc thực ra lại xuất phát từ chính bản thân mình.

Tính cả nể mang tới cho bạn những rắc rối gì?

Vương Tiểu Ba từng nói thế này trong Năm tháng như dòng nước chảy trôi: Tôi chưa bao giờ sợ làm mất lòng bạn bè, vì đã là bạn bè thì không sợ làm mất lòng, người không thể làm mất lòng thì không phải là bạn, đây là tác phong xưa nay của tôi. Từ điểm này bạn cũng có thể đoán được tại sao tôi lại có rất ít bạn.

Thật ra khi từ chối ai đó, chắc chắn là sẽ làm mất lòng họ rồi, bạn luôn sợ làm mất lòng người khác, sau cùng sẽ trở thành người khác luôn đến làm khó bạn, không, là làm phiền bạn mới đúng.

Ví dụ, cuối tuần này hiếm khi không tăng ca, bạn gái nói rằng đã lâu rồi bạn không ở bên cạnh cô ấy, thế là bạn hẹn bạn gái đi xem phim, bạn gái đang trên đường đến rạp chiếu phim thì bạn lại nhận được điện thoại của bạn bè: “Này người anh em, hôm nay tôi có hàng cần vận chuyển, nhưng nhân viên bốc vác có việc xin nghỉ rồi, tôi không tìm được ai giúp cả, cậu có thể tới giúp tôi không?”

Nhất thời bạn không biết phải trả lời câu hỏi này như thế nào, trong đầu bạn lập tức xuất hiện cảnh quay của hai bộ phim “cẩu huyết”.

Trong phần giới thiệu của bộ phim đầu tiên, bạn chấp nhận lời mời giúp đỡ của bạn bè. Thế là bạn đành gọi điện cho bạn gái, bạn gái liền không vui: “Chuyện gì cũng phải có trước có sau, anh sợ làm mất lòng bạn bè, sợ mất bạn bè, vậy anh đánh mất em thì không sao đâu nhỉ, thôi được rồi, không xem phim nữa, chúng ta chia tay đi.”

Đây không phải kết quả mà bạn mong muốn, thực ra bạn cũng đã chờ đợi buổi hẹn hò này từ rất lâu rồi.

Phần giới thiệu của bộ phim thứ hai, bạn từ chối lời nhờ giúp đỡ của bạn bè. Bạn bè cho rằng, việc của tôi cực kỳ cấp bách, cậu muốn hẹn hò xem phim lúc nào mà chẳng được, cậu làm bạn kiểu gì vậy, anh em có chuyện không giúp đỡ, chỉ mải nghĩ đến tình yêu đôi lứa, thế là không bao giờ qua lại với bạn nữa.

Đây cũng không phải kết quả bạn mong muốn, bạn rất trân trọng tình yêu, cũng rất trân trọng tình bạn.

Vì vậy, với tính cả nể, bạn bỗng dưng không biết nên lựa chọn thế nào, bạn tự đẩy mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Giả sử bạn nói rõ với bạn bè rằng thời gian vừa rồi bạn thường xuyên tăng ca, rất ít khi ở bên bạn gái, hôm nay bạn gái vốn dĩ đã có công việc khác, song vẫn cố gắng sắp xếp thời gian nên mới có được buổi hẹn hò này, hơn nữa vé xem phim cũng mua xong hết rồi. Và nếu có thể, bạn hãy khuyên bạn bè tìm một vài người khác phù hợp hơn bạn để giúp đỡ, hy vọng bạn bè có thể thông cảm.

Bạn từ chối yêu cầu của bạn bè một cách khéo léo, trong tình huống không làm mất lòng anh ấy, bạn còn có thể gạt vấn đề sang một bên, thỏa mãn cảm xúc của bản thân mà không khiến bản thân bị áp lực tâm lý, đây chẳng phải là điều tốt nhất cho cả hai hay sao?

Trách nhiệm không rõ ràng, bị áp lực đè nặng

Trong tác phẩm tiêu biểu Demian của Hermann Hesse có nói: Đối với mỗi người, trách nhiệm thật sự chỉ có một - Tìm lại chính mình.

Trên thực tế, cũng sẽ có những gánh nặng và áp lực vô hình trong công việc do sự phân chia trách nhiệm không rõ ràng. Bạn cảm thấy ngại khi từ chối yêu cầu của đồng nghiệp, bạn bị áp lực đè nặng không dám từ chối những công việc khác mà lãnh đạo bắt bạn phải làm, thế là bạn âm thầm, lặng lẽ, nhẫn nhục chịu đựng.

Ví dụ, khi mới đến nơi làm việc, các đồng nghiệp lâu năm sẽ nhờ bạn in hoặc photo tài liệu, bọn họ nói rằng, thanh niên trẻ tuổi như các em tay chân nhanh nhẹn, những tài liệu này lát nữa sếp cần gấp, em đi photo giúp anh/chị đi.

Vì nghĩ bản thân là người mới nên bạn ngại từ chối, sợ để lại ấn tượng xấu với đồng nghiệp cũ, nhưng thực chất các bạn còn chẳng cùng bộ phận. Bạn im lặng đặt công việc đang làm xuống, ôm một chồng tài liệu đứng trong phòng photo hơn một tiếng đồng hồ, cuối cùng cũng photo xong, đưa lại cho đồng nghiệp.

Đồng nghiệp mới đầu vẫn sẽ nói cảm ơn, nhưng nhiều lần như vậy, chỉ cần có công việc đó là họ sẽ nói với bạn rằng: Em cầm tài liệu đi photo rồi mang tới phòng làm việc đi, thế là bằng cách nào đó, việc photo đã trở thành trách nhiệm của bạn.

Kỳ nghỉ lễ công ty sắp xếp trực ban, cuối cùng bạn cũng kết thúc ca trực của mình, quyết định về nhà thăm bố mẹ. Đột nhiên nhận được cuộc gọi từ một đồng nghiệp khác, nói rằng anh ta và bạn gái đang đi du lịch ở tỉnh khác, e là không thể về kịp ca trực ngày mai, phiền bạn trực giúp ca của anh ta, hơn nữa còn nói đã hỏi qua ý kiến lãnh đạo chuyện này rồi, lãnh đạo đã đồng ý.

Bạn bất lực, đến lãnh đạo cũng đồng ý rồi, bạn còn có thể từ chối sao? Thế là kế hoạch về nhà bị hoãn lại, sợ rằng muốn về nhà sẽ phải đợi đến Tết sang năm.

Bạn thấy đấy, việc đó rõ ràng không nằm trong phạm vi công việc của bạn, nhưng bạn lại cả nể, lặng lẽ chấp nhận.

Có thể ban đầu bạn chỉ giúp đỡ họ vì mục đích tốt, nhưng về sau khi điều tương tự xảy ra, bạn nên ý thức được rằng bạn phải từ chối, dùng nó để nhắc nhở đối phương đây vốn không phải là công việc của tôi, mà là của bạn đấy. Bạn có thể giúp anh ta một lần, nhưng không thể lúc nào cũng giúp anh ta được, hoặc thậm chí đừng trực tiếp đẩy công việc này vào phạm vi công việc của bạn.

Bạn luôn nghĩ về việc người khác muốn bạn làm gì, nhưng hiếm khi nào bạn nghĩ đến việc bạn thật sự muốn gì. Khi đề cập đến vấn đề nguyên tắc, không cần phải do dự, tất cả những gì bạn cần là một lời từ chối thẳng thắn.

Link gốc


  • 21/10/2024 09:54
  • Theo nld.com.vn
  • 3143