"Tăng chỉ số tiếp cận điện năng - Làn gió mới cho môi trường kinh doanh Việt Nam"

Đó là khẳng định của chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII khi trả lời phỏng vấn của PV TCĐL.

Ông Cao Sỹ Kiêm

Phóng viên (PV): Thưa ông, tại sao thời gian tiếp cận điện năng lại được coi là một trong những chỉ tiêu chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?
 
Ông Cao Sỹ Kiêm: Điện lực là một trong những kết cấu hạ tầng quan trọng, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển toàn diện đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, khả năng sử dụng điện, tiếp cận điện năng được xem là một trong những yếu tố cạnh tranh. Bởi, nếu rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng sẽ góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí thực hiện và nâng cao năng suất lao động, phù hợp với thông lệ quốc tế.
 
Đây cũng là lý do vì sao, tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, phấn đấu cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới) và năng lực cạnh tranh quốc gia (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới). Cụ thể, năm 2015, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6, trong đó yêu cầu thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa 36 ngày (năm 2015). Và năm 2016, con số này là 35 ngày. Cùng với việc thực hiện một số chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế, phấn đấu chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4.
 
PV: Theo công bố của Ngân hàng Thế giới, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2015 của Việt Nam là tốt nhất trong 10 chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh, tăng 22 bậc so với năm 2014. Ông đánh giá như thế nào về thứ hạng này?
 
Ông Cao Sỹ Kiêm: Kết quả này đã khẳng định sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các bộ, cơ quan và địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới còn cho biết, trong năm qua, một số nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã thực hiện cải cách mạnh mẽ, trong đó các nước dẫn đầu gồm Việt Nam (5 cải cách), Hồng Kông, Trung Quốc (4 cải cách) và Indonesia (3 cải cách). 
 
Tại Việt Nam, nội dung thay đổi của ngành Điện đã được nhóm nghiên cứu Doing Business ghi nhận là một trong 19 nước có cải thiện hiệu quả quy trình tiếp cận điện năng. Chỉ số tiếp cận điện năng là chỉ số tốt nhất trong 10 chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm thực hiện các giải pháp mà Chính phủ yêu cầu. Đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch quy trình kinh doanh bán điện  theo đúng thông lệ quốc tế. Theo số liệu mới được công bố, để được cấp điện mới ở Việt Nam, yêu cầu thực hiện 6 thủ tục, thời gian thực hiện 59 ngày, trong đó thời gian thực hiện của Điện lực là 14 ngày. Thứ hạng này sẽ thổi một "luồng gió mới" vào môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới.
 
Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trong khu vực và thế giới, vị trí của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Xét theo thứ hạng các nền kinh tế lớn trong khu vực thì, Trung Quốc (84), Indonesia (109), Nhật Bản (34), Philippin (103), Thái Lan (49) và Việt Nam (90). Nguyên nhân chủ yếu là do, cơ sở hạ tầng của đất nước ta tuy đã phát triển, nhưng chưa đồng bộ, vẫn còn nhiều khó khăn về vốn. Thứ hai là cơ sở pháp lý còn phức tạp với nhiều thủ tục rườm rà. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng nói riêng và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung.
 
Bà Rita Ramalho - Cán bộ quản lí dự án Môi trường Kinh doanh (Ngân hàng Thế giới):
 
"Giới doanh nhân khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến hàng loạt các cuộc cải cách diễn ra trong nhiều lĩnh vực, từng bước xóa bỏ rào cản đối với doanh nghiệp mới, giảm nhẹ gánh nặng tuân thủ thuế và hoàn thiện thị trường tín dụng và tiếp cận dịch vụ cung cấp điện năng.
 
Tuy nhiên, các nước trong khu vực vẫn có thể tiếp tục cải thiện tình hình trong các lĩnh vực: Xin giấy phép xây dựng, cung cấp điện, thực thi hợp đồng, đăng ký tài sản và buôn bán qua biên giới”.
PV:Là Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, luôn theo dõi sát tình hình kinh tế của đất nước và các ngành – lĩnh vực trọng điểm, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành Điện thời gian qua?
 
Ông Cao Sỹ Kiêm: Xét về trình độ khoa học – công nghệ, hiện nay đất nước ta có 3 ngành mũi nhọn có tiềm lực có thể sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới, đó là ngành Viễn thông, ngành Điện và ngành Dầu khí. Cả 3 ngành này đều không có chiếu cố, ưu tiên nào, mà đòi hỏi phải có sự cạnh tranh lành mạnh, phải có cơ sở khoa học – công nghệ, chất lượng nguồn lao động rất tốt mới phát triển được.
 
Đối với ngành Điện, đây là ngành không được bao cấp hoàn toàn mà phải tự vay vốn đầu tư các dự án nguồn và lưới điện, đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu như trước đây, khả năng cạnh tranh của ngành Điện với các nước trong khu vực và thế giới còn khoảng cách khá xa, tình trạng thiếu điện thường xuyên xảy ra, thì những năm gần đây, hệ thống điện Việt Nam không chỉ cung ứng đủ điện mà còn có dự phòng nguồn, giảm hệ số đàn hồi điện/GDP, tăng hạng về chỉ số tiếp cận điện năng, công cuộc điện khí hóa nông thôn cũng diễn ra với tốc độ nhanh. Đó cũng là bài học kinh nghiệm cho một số quốc gia khác trên thế giới...
 
PV: Vậy theo ông, trong thời gian tới, để tiếp tục rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng, ngoài sự nỗ lực của ngành Điện còn có trách nhiệm của các cơ quan, địa phương nào?
 
Ông Cao Sỹ Kiêm: Cần phải nhấn mạnh rằng, mặc dù chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã thăng hạng, song vẫn còn khá khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Điều này đòi hỏi Chính phủ còn phải tiếp tục cải cách về các thủ tục hành chính trong lĩnh điện lực và tiếp cận điện năng, nâng cao chất lượng, hiệu quả của chính sách kinh tế đối với môi trường kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh truyền thông tới cộng đồng quốc tế về những thành quả kinh tế đạt được của Việt Nam. 
 
Trong sự phát triển của mỗi đất nước, vai trò của điện năng có yếu tố quyết định. Ở nước ta, do yếu tố địa lý, vốn đầu tư cho ngành Điện rất lớn và để rút ngắn được chỉ số tiếp cận điện năng còn phụ thuộc vào nhiều bộ, ban ngành khác cũng như, UBND các tỉnh, thành phố… Vì vậy, để tiếp tục rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ có sự cố gắng và nỗ lực của ngành Điện mà cả hệ thống chính trị cùng phải vào cuộc mới tạo được kết quả tốt nhất.
 
PV: Xin cảm ơn ông! 
 


  • 01/01/2016 06:38
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 7125


Gửi nhận xét