Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng

Công nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất trong cơ cấu ngành kinh tế, chiếm tới hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Đây cũng là lĩnh vực được đánh giá còn nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng, lên tới 30-35%. Tuy nhiên, việc đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp còn chưa tương xứng với lợi ích có thể đem lại. Ông Đặng Hải Dũng – Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Ông Đặng Hải Dũng

PV: Xin ông cho biết về những giải pháp, chương trình mà Bộ Công Thương đang và sẽ thực hiện nhằm thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là giải pháp đối với nhóm ngành công nghiệp?

Ông Đặng Hải Dũng:Tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp đóng vai trò quan trọng bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia. Để khai thác tối đa tiềm năng này, Bộ Công Thương đề ra các nhóm giải pháp chính, trong đó, nhóm giải pháp về tài chính là giải pháp trọng tâm giai đoạn 2019 - 2030 cần được đẩy mạnh. Về giải pháp này, Bộ Công Thương đã triển khai các dự án hợp tác quốc tế trong đó có các dự án của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng, thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng. 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi các quy định của Luật. Trong quá trình rà soát, Bộ Công Thương sẽ tập trung đánh giá lại 5 nhóm vấn đề: Thứ nhất là nhóm vấn đề đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Nhóm thứ 2 là đối với các trang thiết bị sử dụng năng lượng; Nhóm thứ 3 liên quan đến các cơ sở đào tạo, đơn vị cung cấp nguồn nhân lực cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nhóm thứ 4 liên quan đến các cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng; Nhóm thứ 5 là nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực như giao thông vận tải, xây dựng,... 

Chúng tôi sẽ triển khai những hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nhận diện ra những tổn thất cũng như những công nghệ thông qua kiểm toán năng lượng để doanh nghiệp chủ động lựa chọn đầu tư, thay thế cho các công nghệ đã cũ, lạc hậu và tiêu thụ nhiều điện năng.

 Áp dụng công nghệ tuần hoàn khép kín giúp Thép Hoà Phát tiết kiệm điện 

PV: Nhiều ý kiến cho rằng nếu như được hỗ trợ về vốn và về kỹ thuật, việc triển khai tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tại cơ sở sản xuất công nghiệp hoàn toàn có thể khả thi. Xin ông chia sẻ thêm về những kênh hỗ trợ này từ phía Bộ Công Thương?

Ông Đặng Hải Dũng: Với mong muốn cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp để đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như mục tiêu giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai xây dựng Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam - Dự án VSUEE”. Dự án sử dụng nguồn kinh phí của Quỹ Khí hậu Xanh với tổng kinh phí 11,3 triệu USD, với hai hợp phần: Vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro (Risk Sharing Facility – RSF) và Hỗ trợ kỹ thuật.

Ngoài ra, Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ một khoản vay có hoàn trả là 75 triệu USD để thành lập Quỹ RSF, nhằm cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng của Việt Nam thông qua Đơn vị quản lý quỹ chia sẻ rủi do (PIE). Số tiền bảo lãnh sẽ dùng để thanh toán cho các dự án mất khả năng chi trả và được PIE xác nhận đủ điều kiện để bồi hoàn. Thông qua bảo lãnh RSF các doanh nghiệp công nghiệp được cấp lên tới 50% giá trị khoản vay để đầu tư cải tiến công nghệ, giảm tiêu thụ năng lượng. 

Về kỹ thuật, dự án sẽ cung cấp đào tạo và nâng cao năng lực cho các bên tham gia, bao gồm các ngân hàng, các doanh nghiệp công nghiệp, các cơ quan nhà nước có liên quan trong xây dựng chính sách, áp dụng đầu tư công nghệ mới, sáng tạo và hiệu quả năng lượng.

Qua dự án này chúng tôi kỳ vọng sẽ thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh tín dụng đối với các dự án đầu tư về tiết kiệm năng lượng, tháo gỡ một số rào cản, vướng mắc hiện tại về quy định tiếp cận các nguồn vốn thương mại. Đồng thời tạo động lực huy động các nguồn lực tài chính, thúc đẩy các bên liên quan gồm doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại triển khai các dự án, phát triển thị trường đầu tư cho tiết kiệm năng lượng.

PV: Vậy để được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, đơn vị sản xuất công nghiệp cần đáp ứng yêu cầu gì? 

Ông Đặng Hải Dũng: Các doanh nghiệp muốn thay thế công nghệ đều được ưu tiên, đặc biệt là những công nghệ hiệu quả trong thực tế như: thu hồi khí thải, tái tận dụng nhiệt thừa… Tuy nhiên, để được hỗ trợ thì các doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau: i) Đầu tư vào cải tạo và nâng cấp (điều chỉnh, thay thế) các cấu phần và hệ thống hiện có để đạt được hiệu quả năng lượng; ii) Có mức tiết kiệm năng lượng đạt được theo yêu cầu; iii) Thời gian hoàn vốn là 10 năm; iv) Tỉ suất hoàn vốn kinh tế nội bộ phải cao hơn 10%; v) Đáp ứng và tuân thủ các yêu cầu về môi trường và xã hội theo quy định của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới.

PV: Hiện tại Bộ Công Thương đang có những chính sách hỗ trợ nào không chỉ đối với đơn vị sản xuất công nghiệp mà đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh nói chung? 

Ông Đặng Hải Dũng: Để giúp doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Bộ Công Thương đã biên soạn “Cẩm nang tiết kiệm điện trong Văn phòng - Nhà xưởng” với mục tiêu cung cấp giải pháp giúp giảm chi phí điện năng, khí đốt, nhiên liệu tại các cơ sở công nghiệp và văn phòng sử dụng năng lượng. Các cơ sở dữ liệu về sản phẩm, công nghệ được khuyên dùng trong cuốn cẩm nang này đều đã được kiểm chứng về khả năng tiết kiệm năng lượng.

Hàng năm, Bộ Công Thương tổ chức các khoá đào Người quản lý năng lượng/ Kiểm toán viên năng lượng

Việc giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý năng lượng và hỗ trợ kiểm toán năng lượng là điều cần thiết. Do đó, hàng năm Bộ Công Thương đã tổ chức các lớp đào tạo Người quản lý năng lượng, Kiểm toán viên năng lượng. Các lớp đào tạo này nhằm mục đích nâng cao năng lực của đội ngũ kỹ thuật quản lý năng lượng, chuyên gia kiểm toán năng thực hiện các hoạt động tư vấn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Dự kiến, đến năm 2030, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành đào tạo và và cấp chứng chỉ cho 5.000 chuyên gia quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt giúp doanh nghiệp nhận diện và triển khai các dự án hiệu quả năng lượng. 

PV: Xin cảm ông! 


  • 22/06/2023 05:34
  • Mai Anh - Minh Khuê (thực hiện)
  • 4341