Trả lời câu hỏi về việc tăng giá điện thêm 5%/ kWh từ ngày 1/7, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: Giá bán điện của chúng ta hiện nay đang ở mức thấp hơn giá thành sản xuất. Ví dụ, để sản xuất ra 1 kWh điện cần 10 đồng, lẽ ra người làm kinh doanh bán 11 - 12 đồng, nhưng giá bán đang dưới 10 đồng. Câu hỏi đặt ra, các nước khác có giá thành 10 đồng không hay họ chỉ cần 5 đồng thôi, mình làm kém nên phải mất 10 đồng?. Có thể khẳng định rằng, 10 đồng là mức chung của thế giới chứ chúng ta không làm cao hơn các nước. Các cơ quan chức năng của Chính phủ đã kiểm tra số liệu báo cáo của ngành Điện thì giá bán điện của chúng ta ra so với thế giới là vẫn thấp hơn, ngay cả các nước trong khu vực ASEAN (trừ Lào) và Trung Quốc.
“Như vậy chúng ta bán dưới giá thành mà giá thành của chúng ta không cao như các nước trên thế giới, tiếp nữa là giá của chúng ta bán ra vẫn còn thấp hơn các nước xung quanh. Do đó việc tăng giá điện là một việc rất bình thường”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.
Một trong những tập đoàn kiểm toán năm 2010 là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị thua lỗ. Nguyên nhân lỗ là do giá bán ra dưới giá thành, bên cạnh đó cũng có điểm chưa tốt lắm về công tác quản lý, quản trị của doanh nghiệp. Nhưng lý do chính vẫn là do chúng ta bán ra dưới giá thành.
Tôi đưa ra con số để nhân dân hiểu: 10 năm vừa qua để đáp ứng yêu cầu năng lượng chúng ta đã huy động rất nhiều nguồn vốn, nguồn lực và chúng ta đầu tư khoảng 300 nghìn tỷ đồng (15 tỷ USD) để đầu tư vào hạ tầng ngành Điện. Để đáp ứng nhu cầu về điện cho nhu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong thời gian tới, dự kiến trong 5 năm tới đây nhu cầu vốn chúng ta cần phải huy động là khoảng 500 nghìn tỷ tức là gần như gấp đôi 10 năm vừa rồi.
Trong 5 năm tới, ngành Điện cần đến 500 nghìn tỷ để đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện
|
Hiện ngân sách nhà nước rất hạn chế, vì vậy chúng ta phải kêu gọi các nguồn đầu tư từ ngoài vào. Nhưng đến bây giờ kêu gọi rất khó khăn bởi vì giá bán điện của chúng ta vẫn còn thấp hơn giá thành và thấp hơn thế giới, cho nên các nhà đầu tư bên ngoài không muốn đầu tư .
Một ví dụ nữa, tôi xin nói thêm vào để nhân dân hiểu được: Ngành Điện cũng phải có nhiều giải pháp khác để kéo giá thành xuống thấp hơn như giảm tổn thất điện, ngành Điện bây giờ có kéo xuống được không? Theo báo cáo của ngành Điện, mức tổn thất điện của Việt Nam hiện nay ngang với Inđônêsia (khoảng 9%), còn các nước tiên tiến hơn ở trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc thì có mức tổn thất thấp hơn (khoảng 4-5%), nhưng vẫn còn nhiều nước có mức tổn thất cao hơn rất nhiều như Ấn Độ (trên 20%) và phần lớn các nước khác ở mức trên 10%. Có một điều nữa, nước nào càng kéo điện về vùng sâu vùng xa như ở nước ta thì tỷ lệ tổn thất điện càng cao.
Trước câu hỏi về việc người dân không thể đồng tình về việc tăng giá điện đề bù vào những khoản lỗ treo của ngành Điện như vụ lỗ EVN Telecom. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định với nhân dân lý do để tăng giá điện là không có các khoản lỗ do EVN đầu từ ngoài ngành, trường hợp cụ thể lỗ EVN Telecom hoàn toàn được tách riêng và không nằm trong lỗ treo mà nhiều người dân băn khoăn.
Số lỗ treo hiện nay của ngành Điện đang phải chịu chủ yếu là do chúng ta bán điện thấp hơn giá thành. Điều này Bộ trưởng Đam cũng nói thêm: “Xu thế của chúng ta là tiến tới kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì thế giá cả của các mặt hàng thiết yếu cơ bản vận hành theo giá thị trường. Hiện nay, vì chúng ta để điện bán dưới giá thành cho nên đầu vào như than cũng phải bán dưới giá thành. Cũng vì than bán cho điện dưới giá thành (ví dụ làm ra 1 tấn than mất 10 đồng chúng ta chỉ bán 6 đồng thôi), vì thế buôn lậu than vẫn diễn ra”.
Chúng ta cho điện bán ra dưới giá thành cho nên rất nhiều các doanh nghiệp không thực hiện tiết kiệm điện, dùng rất nhiều năng lượng thì vô hình chung lại lãi, có nghĩa là chúng ta lấy lỗ từ ngành Điện để biến thành lãi của một số ngành khác. Đó là một hướng phát triển không đúng. Cho nên giá bán điện phải từng bước tiệm cận với giá thị trường, không những phải phù hợp với quy luật hạch toán mà còn giúp cho chúng ta có một định hướng phát triển công nghiệp tiết kiệm năng lượng, từ đó nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế.
Chính phủ luôn luôn chỉ đạo ngành Điện tăng giá theo đúng quy luật và lộ trình, nhưng vẫn phải đảm bảo người nghèo có được sự hỗ trợ tương ứng. Hiện nay, có rất nhiều hộ nghèo được hỗ trợ về giá điện. Tiếp đến, EVN phải công khai minh bạch, lỗ thế nào, lãi thế nào, giá thành ra là sao, lý do tại sao tăng giá?. Thứ 3, đó là mỗi khi tăng giá bán điện, chúng ta phải giải thích để nhân dân hiểu, đồng thuận với Chính phủ. Suy cho cùng, Chính phủ luôn lo cho đất nước, lo cho nhân dân.