29 nhà máy đã chào giá trực tiếp
Theo Bộ Công Thương, cơ chế vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã được Bộ nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và xét đến các điều kiện đặc thù của hệ thống điện và ngành Điện Việt Nam. Theo đó, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ vận hành theo mô hình thị trường điện tập trung, chào giá theo chi phí (CBP) nhằm đảm bảo các mục tiêu: Ổn định cung cấp điện và giá điện, tăng tính công khai, minh bạch trong vận hành các khâu trong ngành điện, tạo cơ chế thu hút đầu tư vào nguồn điện…
Cụ thể, trong giai đoạn đầu vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã có 29 nhà máy điện thuộc 22 công ty phát điện (tổng công suất 9.035 MW) trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xem xét đưa các nhà máy điện mới và các nhà máy điện chuyển đổi hoạt động từ hạch toán phụ thuộc EVN sang thuộc sở hữu các tổng công ty phát điện tham gia thị trường điện, nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường điện.
Riêng đối với các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu (Sơn La, Hòa Bình, Ialy…) không tham gia chào giá trên thị trường và được vận hành trên cơ sở phối hợp tối ưu giữa chức năng phát điện với các nhiệm vụ xã hội như chống lũ, tưới tiêu…Các nhà máy điện khác gồm nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ, nhà máy điện có hồ chứa thủy điện có khả năng điều tiết nước dưới 1 tuần, các nguồn điện năng nhập khẩu…sẽ do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện tính toán vận hành theo nguyên tắc tối thiểu hóa chi phí mua điện và đảm bảo an ninh vận hành hệ thống điện.
Thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành từ 01/07/2012 Ảnh: Ngọc Thọ
|
Những ngày đầu vận hành ổn định
Ông Nguyễn Loãn - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí, một trong những đơn vị tham gia thị trường cho biết, các hệ thống công nghệ thông tin như hệ thống chào giá, hệ thống quản lý lệnh điều độ… đều hoàn thiện và thử nghiệm kỹ trước thời điểm 1/7/2012. Thực tế những ngày đầu vận hành cũng rất ổn định. Công ty đã thành lập tổ thị trường điện với các cán bộ chuyên viên chuyên trách theo dõi, túc trực 24/24h để bám sát tình hình và diễn biến của thị trường, những cán bộ này được đào tạo kỹ nên khi tham gia thị trường điện chính thức không cảm thấy bỡ ngỡ.
Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó phòng Kế hoạch – Vật tư, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị quản lý 3 nhà máy thủy điện là Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah và Srepôk 3 với tổng công suất 586 MW) cho biết, sau khi có quyết định thành lập Genco, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp thuộc Genco 3, nên hiện các nhà máy của Công ty đang tạm thời gián tiếp tham gia thị trường và sẽ chính thức tham gia trực tiếp khi Genco 3 đi vào hoạt động. Ông Tâm cũng cho biết thêm, toàn bộ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã được lắp đặt xong ở các nhà máy, kết quả thử nghiệm nhiều tháng nay đều cho kết quả tốt.
Theo nhận định của lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, việc đưa thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vào vận hành là bước phát triển quan trọng của ngành Điện Việt Nam, đánh dấu bước chuyển đổi ban đầu sang cơ chế vận hành theo thị trường. Thành công của thị trường sẽ là điều kiện cần thiết, tạo tiền đề cho việc phát triển lên thị trường bán buôn, bán lẻ cạnh tran
Thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 3 cấp độ:
- Thị trường phát điện cạnh tranh (giai đoạn 2005 – 2014)
- Thị trường bán buôn cạnh tranh (giai đoạn 2014 – 2022)
- Thị trường bán lẻ cạnh tranh (giai đoạn sau năm 2022)
(Theo Quyết định 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình và các điều kiện hình thành phát triển các cấp độ thị trường điện lực)
|