Quản lý, điều hành thống nhất giá điện là yếu tố quan trọng thực hiện thị trường điện

Theo lộ trình của ngành Điện mới được phê duyệt, giá điện sẽ thường xuyên được điều chỉnh theo chiều tăng là chủ yếu do giá điện ở nước ta còn thấp nên chưa thu hút được đầu tư. Vì vậy, chung quanh giá bán điện, mức giá bán cao hay thấp, sự quản lý nhà nước về giá điện ra sao, Nhà nước nên can thiệp về giá ở khâu nào, với hình thức nào... luôn là những câu hỏi mà dư luận quan tâm.

Nguồn cung gặp khó khăn dài hạn

Theo các chuyên gia kinh tế của Viện Kinh tế - Tài chính, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm ở nước ta luôn ở mức cao (gấp hơn hai lần so với tăng trưởng GDP) nhưng lượng điện tiêu thụ bình quân đầu người một năm của nước ta thấp. Năm 2010, ước tính sản lượng điện tiêu thụ của cả nước đạt khoảng 84.400 triệu kWh, tính bình quân đầu người cũng mới chỉ đạt 981 kWh/người/năm. Thống kê cho thấy sản lượng điện sản xuất của EVN chiếm khoảng 72% tổng sản lượng điện sản xuất của cả nước, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) chiếm khoảng 13%, các nhà máy BOT khoảng 10%, còn lại là sự đóng góp của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và của các nhà máy thủy điện nhỏ.

Về cung nguồn điện, trong giai đoạn 1995-2010, tổng công suất nguồn điện (lắp đặt) của cả nước tăng 4,59 lần (từ 4.550 MW năm 1995 lên 20.900 MW). Trong giai đoạn 2006-2010, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống tăng thêm 10.300 MW (bình quân mỗi năm tăng thêm gần 2.000 MW). Như vậy, mặc dù đã gần gấp hai lần so với năm 2005, nhưng công suất tăng thêm bình quân mỗi năm vẫn chưa đạt so với kế hoạch đặt ra giai đoạn 2006-2010 (trung bình mỗi năm tăng thêm 3.000 MW). Còn giai đoạn 2011-2015, nhu cầu về điện năng của cả nước đòi hỏi công suất tăng thêm của toàn hệ thống bình quân mỗi năm khoảng 4.100 MW.

Theo chuyên gia Phạm Minh Thụy, sự thiếu hụt về điện năng của nước ta từ nay đến năm 2015 chưa thể giải quyết được, và nguồn cung điện sẽ vẫn phải nhập khẩu. Theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21-7-2011, đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 75 nghìn MW, sản xuất và nhập khẩu khoảng 330 tỷ kWh, tổng vốn đầu tư khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng. Tính chung trong cả giai đoạn 2011-2030, nhu cầu đầu tư cho ngành Điện khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng, và đến năm 2030 mới đạt được mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước (với khoảng 695-834 tỷ kWh). "Với thực trạng đó, có thể thấy thị trường điện ở Việt Nam có hai đặc điểm lớn là có sự mất cân đối lớn giữa cung và cầu về điện năng, trong đó thiếu hụt nguồn cung là vấn đề lớn nhất". - Chuyên gia Phạm Minh Thụy nhấn mạnh.

Trên quan điểm của nhà sản xuất và cung cấp điện lớn nhất nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng đã phải chịu thiệt nhiều từ việc giá điện chưa được tính đúng, tính đủ, dẫn tới giá thành bán điện thương phẩm không đủ bù đắp chi phí, khiến tập đoàn chưa thể giảm lỗ. EVN phải mua điện giá cao từ một số nhà máy điện độc lập, chạy dầu để phát điện, điều chỉnh tỷ giá... các yếu tố này không được tính đúng vào giá thành. Riêng trong các lý do từ việc chưa tính đúng, tính đủ chi phí vào giá điện, các khoản lỗ được công khai của EVN đến nay đã lên tới vài chục nghìn tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm ở nước ta luôn ở mức cao - gấp hơn hai lần so với tăng trưởng GDP. Ảnh: NT

Cơ chế và chính sách quản lý giá điện minh bạch

Theo TS Nguyễn Thị Lan (Học viện Tài chính), về vấn đề tăng giá điện, đại đa số lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) đều ủng hộ và cho rằng, đây là một cơ chế cần thiết của nền kinh tế mặc dù vẫn có những tác động nhất định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD) của DN. TS Nguyễn Thị Lan viện dẫn, đối với các DN chưa tính được chi phí đầu vào từ việc tăng giá điện, chắc chắn sẽ phải chấp nhận giảm mức lợi nhuận của mình để có thể cạnh tranh giá bán sản phẩm ra thị trường. Đồng quan điểm này, Giám đốc Công ty cổ phần may Phú Thọ - Lê Mạnh Hùng cho rằng, việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, để thị trường điều tiết là một việc nên làm "bởi qua đó sẽ bảo đảm tính minh bạch cho nền kinh tế. Giám đốc Công ty cổ phần bia Viger Đỗ Đình Quý thì băn khoăn: Cũng như xăng dầu, một khi giá điện được điều chỉnh theo giá thị trường, chắc chắn sẽ theo một xu hướng ngày càng tăng chứ khó có khả năng giảm. Do vậy, DN phải có sự chuẩn bị tốt để thích ứng, đặc biệt phải thực hiện mọi biện pháp tiết kiệm điện, áp dụng công nghệ mới giảm đến mức thấp nhất trong tiêu thụ điện năng để đem lại hiệu quả cao trong SX-KD.

Theo đại diện của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tại Hội thảo về quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ở Việt Nam mới được Bộ Tài chính tổ chức, tuy đã được điều chỉnh theo lộ trình nhưng những thay đổi của giá điện cũng vẫn chưa phản ánh hết được biến động của các chi phí SX-KD điện đầu vào hợp lý, hợp lệ, và để giá điện đi đúng lộ trình thì mức giá phải dần được tính đúng, tính đủ các chi phí  thực tế, hợp lý. Việc hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên trong cộng đồng người tiêu dùng cần phải được thực hiện theo các giải pháp cụ thể, phù hợp. Đặc biệt, yêu cầu phải tạo sự minh bạch và đồng thuận của xã hội về giá điện cũng được đa số đại biểu tham gia Hội thảo đồng tình và coi là một trong những giải pháp thiết yếu, quan trọng nhất, là giải pháp của mọi giải pháp.


  • 29/04/2012 10:33
  • Theo Nhân dân online
  • 6507


Gửi nhận xét