Vượt qua khó khăn
Báo cáo của Tập đoàn cho thấy, nửa đầu năm 2016, diễn biến khó lường của thời tiết không chỉ gây ra nhiều khó khăn cho đơn vị trong công tác quản lý vận hành hệ thống điện mà còn khiến thiệt hại hàng trăm tỷ đồng để khắc phục. Điển hình là đợt băng tuyết lịch sử đầu năm ở khu vực phía Bắc, cơn bão số 1 và 2 ở trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ; lũ lụt ở miền Trung; nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn diễn ra trên cả nước…
Bên cạnh đó, thủy văn không thuận lợi, hầu hết các hồ thủy điện thiếu nước nhưng các công ty thủy điện vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chống hạn, đẩy mặn cho hạ du theo yêu cầu của địa phương. Do đó, nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng và không ít lần tách ra khỏi thị trường điện cạnh tranh. Mặt khác, khu vực miền Nam chưa cân đối được nguồn nên lưới điện truyền tải 500 kV luôn trong tình trạng đầy tải.
Về công tác đầu tư - xây dựng, việc triển khai các dự án công trình điện cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là công trình truyền tải. Ngoài khó khăn về nguồn vốn, nhiều dự án bị chậm tiến độ vì vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đó là chưa kể đến những khó khăn, rủi ro về tỷ giá hối đoái…
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong năm 2016, Tập đoàn đã cung cấp đủ điện, ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các sự kiện văn hóa, chính trị và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Ước cả năm 2016, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 183,28 tỷ kWh, tăng 11,54% so với năm 2015. Trong đó, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN cả năm 2016 đạt 177 tỷ kWh, cao hơn kế hoạch 1,1 tỷ kWh và tăng 10,85% so với năm 2015. Năm 2016, sản lượng điện thương phẩm toàn tập đoàn đạt 159,31 tỷ kWh, cao hơn kế hoạch 210 triệu kWh và tăng 10,9% so với năm 2015.
Năm 2016, EVN bảo đảm tiến độ các dự án nguồn và lưới, điển hình là nghiệm thu hoàn thành hai dự án thủy điện là Lai Châu và Huội Quảng; khởi công 316 công trình và hoàn thành đóng điện 304 công trình lưới điện từ 110-500 kV; hoàn thành khởi công 5/5 dự án thuộc Chương trình Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020, được cấp vốn ngân sách năm 2016. Ngoài ra, EVN cũng hoàn thành nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, trong đó tổn thất điện năng đạt 7,7%, tiết kiệm điện đạt 1,5% điện thương phẩm.
Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình
|
Bước chuyển về sự minh bạch và phục vụ
Trong tỷ trọng nguồn nhiệt điện than, EVN chiếm không nhiều nhưng thời gian qua, các nhà máy nhiệt điện than, nhất là Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 dù đã phát huy được vai trò đối với hệ thống điện nhưng vẫn còn một số hạn chế về môi trường khiến dư luận băn khoăn, tuy nhiên, EVN đã kịp thời khắc phục.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc minh bạch thông tin các hoạt động của EVN nói chung và môi trường nhiệt điện than là một bước chuyển lớn rất đáng ghi nhận, phần nào đáp ứng yêu cầu của nhân dân và xã hội.
Cụ thể, EVN đã có nhiều hoạt động cố gắng kiểm soát và minh bạch các hoạt động bảo vệ môi trường (khói bụi, xỉ thải, nguồn nước…) từ các nhà máy nhiệt điện than thông qua việc lắp đặt các thiết bị hiện đại giảm thiểu tình trạng khói đen lúc khởi động tổ máy; lắp đặt hệ thống giám sát thông số môi trường tự động và gửi về các cơ quan chức năng; tiếp tục đầu tư nâng cấp các bãi thải xỉ, hạn chế khói bụi; thương thảo, ký hợp đồng với các doanh nghiệp sử dụng tro xỉ sản xuất gạch không nung; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị và tham gia đóng góp ý kiến về chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường nhiệt điện than.
Đặc biệt, các công ty nhiệt điện đã mời chính quyền và người dân tham quan bãi thải xỉ; giải thích rõ ràng quy trình hoạt động của tổ máy nhiệt điện than; trả lời và thực hiện các kiến nghị của người dân về giảm ô nhiễm môi trường; phối hợp với địa phương để công khai thông tin về mọi chỉ số môi trường của nhà máy và các kế hoạch, nhiệm vụ nhà máy đã triển khai.
Bên cạnh đó, năm 2016, EVN cũng chủ động triển khai quyết liệt các chương trình cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho khách hàng nhất là thủ tục, thời gian tiếp cận điện năng, ghi chỉ số, thanh toán hóa đơn tiền điện… Mọi ý kiến thắc mắc của khách hàng sử dụng điện đã quy về một mối thông qua các trung tâm chăm sóc khách hàng của 5 tổng công ty điện lực.
EVN đưa điện đến vùng sâu, vùng xa
|
Đáp ứng đủ điện cho tăng trưởng
Năm 2017 và cả giai đoạn đến năm 2020, dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng từ 6,7 - 7%, do đó nhu cầu về điện thương phẩm tăng khoảng 11,5%. Để bảo đảm yêu cầu về điện cho đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan và EVN phải thực hiện đầy đủ các giải pháp để bảo đảm đầu tư phát triển nguồn điện theo Tổng sơ đồ VII hiệu chỉnh. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2030 nhu cầu nguồn điện tăng thêm là 95.852 MW (bình quân 6.400 MW/năm). Riêng giai đoạn 2016 - 2020, cần đưa vào vận hành 21.650 MW (4.330 MW/năm).
Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, EVN đã xây dựng các phương án cấp điện cho năm 2017 và cả giai đoạn đến năm 2020 với nhiều phương án cụ thể nhằm mục tiêu không để thiếu điện.
Về cấp điện cho năm 2017, ông Ngô Sơn Hải cho biết, hiện, EVN đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện kế hoạch cấp điện như chỉ đạo các đơn vị tập trung sửa chữa, củng cố các tổ máy thủy điện, các tổ máy nhiệt điện than, tua bin khí; bố trí hợp lý lịch bảo dưỡng các tổ máy; tích nước các hồ thủy điện đến mực nước dâng bình thường để bảo đảm khả dụng nguồn cao nhất cho mùa khô năm 2017, đặc biệt là các nguồn thủy điện miền Trung; yêu cầu các tổng công ty phát điện quản lý vận hành các nhà máy an toàn, tin cậy ngay từ đầu năm, nhất là các nhà máy phía Nam; nhanh chóng hòa lưới Vĩnh Tân 4; chủ động tìm nguồn nhập khẩu than cho các nhà máy mới; đẩy nhanh khảo sát xây dựng các nhà máy điện năng lượng gió, mặt trời…
Trong công tác vận hành, EVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó kịp thời với các diễn biến bất thường của thời tiết và thiên tai; phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.