Tham vấn ý kiến về hướng dẫn đầu tư điện sinh khối tại Việt Nam

Là quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng điện sinh khối song còn thiếu điều kiện để phát triển. "Những hướng dẫn rõ ràng về các thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép và vận hành sẽ giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sinh khối" - Đó cũng chính là mục tiêu đặt ra tại hội thảo tham vấn về hướng dẫn đầu tư điện sinh khối tại Việt Nam, do Dự án hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo trong khuôn khổ hợp tác phát triển Việt Nam – Đức (RESP) phối hợp với Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo – Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 14/8.

Sản xuất điện từ nhiên liệu sinh khối tại nhà máy đường Maharashtra - Ấn Độ

Ông Werner Kossmann – Cố vấn trưởng kỹ thuật của Dự án RESP (thuộc GIZ) cho biết: “Điện sinh khối là công nghệ thân thiện với môi trường, góp phần đảm bảo cân bằng năng lượng ở Việt Nam đồng thời giảm thiểu phát thải khí CO2. Những nhận xét và thảo luận của các bên liên quan tại hội thảo sẽ cho thấy bức tranh toàn cảnh về quá trình đầu tư vào điện sinh khối ở Việt Nam, sau đó sẽ được phản ánh cụ thể trong hướng dẫn đầu tư. Đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà đầu tư, hạn chế rủi ro trong quá trình đầu tư vào điện sinh khối ở Việt Nam”.

Theo Quy hoạch điện VII, tỷ lệ điện sinh khối dự kiến chiếm khoảng 0,6% vào năm 2020 và đến năm 2030 là 1,1% sản lượng điện, với công suất lắp đặt tương ứng là 500 MW và 2.000 MW.

Để tạo điều kiện cho điện sinh khối phát triển, ngày 24/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối ở Việt Nam. Đây được xem là động lực thúc đẩy đầu tư công và tư trong lĩnh vực điện sinh khối ở Việt Nam. Tuy nhiên, các kinh nghiệm quốc tế cho thấy Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ chính sách và thủ tục để tăng cường sản xuất điện từ sinh khối một cách bền vững.

Hội thảo là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo do Bộ môi trường, Bảo tồn tự nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân CHLB Đức (BMUB) tài trợ và đã được Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) triển khai tại Việt Nam với sự hợp tác của Tổng cục Năng lượng từ năm 2012, nhằm cải thiện khung pháp lý cho năng lượng sinh khối nối lưới ở Việt Nam tập trung vào năng lượng sinh khối, khí sinh học và chất thải rắn sinh hoạt.


  • 15/08/2014 07:49
  • Trang Phan
  • 25466


Gửi nhận xét