Ts Nguyễn Mạnh Hiến
|
PV: Ông có thể cho biết những lợi ích chủ yếu mà Genco mang lại sau khi được Chính phủ cho phép thành lập?
Ts Nguyễn Mạnh Hiến: Việc hình thành các Genco sẽ góp phần đa dạng hóa hình thức đầu tư vào các công trình điện, từ đó giúp phát triển nguồn điện, gia tăng số lượng các nhà máy điện, thúc đẩy hình thành thị trường điện cạnh tranh. Như chúng ta biết, nhu cầu vốn cho phát triển nguồn điện lên tới hàng tỷ USD mỗi năm. Nếu các Genco hoạt động có hiệu quả cao sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm gánh nặng về vốn nhà nước đầu tư phát triển nguồn điện.
PV: Như vậy, để thực sự phát huy hiệu quả, các tổng công ty phát điện cần phải hoạt động như thế nào sau khi thành lập?
Ts Nguyễn Mạnh Hiến: Các Genco sẽ phải tính đến việc cạnh tranh, áp dụng công nghệ tiên tiến, giảm chi phí sản xuất xuống mức thấp nhất. Chi phí sản xuất điện càng thấp thì các Genco sẽ càng có lãi. Đây cũng chính là những yếu tố góp phần thúc đẩy phát triển thị trường điện một cách lành mạnh hơn.
PV: Có ý kiến lo ngại rằng, Genco có thể sẽ chi phối thị trường phát điện. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
Ts Nguyễn Mạnh Hiến: Theo tôi được biết, các Genco sẽ được thành lập trên cơ sở cân bằng về quy mô, loại hình công nghệ, vùng miền, đảm bảo không có Genco nào có công suất đặt áp đảo nhằm tránh khả năng thao túng, lũng đoạn thị trường. Dự kiến, Genco 1 sẽ có 18 nhà máy (10 nhà máy đang vận hành và 8 dự án đang đầu tư) với tổng công suất 6.269 MW. Genco 2 có 12 nhà máy (8 nhà máy đang vận hành và 4 dự án đang đầu tư) với tổng công suất 6.069 MW. Genco 3 có 10 nhà máy với tổng công suất 6.814 MW.
PV: Xin ông cho biết những thuận lợi khi Genco thuộc EVN?
Ts Nguyễn Mạnh Hiến: Công ty mẹ của các Genco là công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc EVN. Điều này sẽ tránh được tình trạng xáo trộn về mặt tổ chức có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến các dự án nguồn và cung ứng điện giai đoạn 2012-2015, được dự báo là giai đoạn khó khăn trong cung ứng điện. Ngoài ra, trong lúc hệ thống điện quốc gia luôn căng thẳng về nguồn và không có nguồn dự phòng, thì các Genco trực thuộc EVN sẽ làm cho công tác quản lý được dễ dàng hơn. Cá nhân tôi cho rằng, quyết định này là phù hợp trong giai đoạn hiện nay với nhiệm vụ hàng đầu là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Các tổng công ty phát điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gồm:
- Tổng công ty Phát điện số 1
- Tổng công ty Phát điện số 2
- Tổng công ty Phát điện số 3
Hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Công ty mẹ là công ty TNHH một thành viên do EVN làm chủ sở hữu.
Các nhà máy điện đa mục tiêu vẫn do EVN quản lý như hiện nay.
|