EVN đặt mục tiêu tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn 6,7%
|
Theo số liệu thống kê, tổn thất điện năng (TTĐN) năm 2018 toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước đạt 6,9%, tốt hơn 0,3% so với kế hoạch và vượt trước 1 năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao.
"Giảm xuống 7% là cố gắng rất lớn"
Năm 2019, EVN đặt mục tiêu tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn: 6,7%, giảm 0,2% so với năm 2018, phấn đấu giảm xuống 6,5%. Trước đó, chỉ tiêu này cũng luôn được cải thiện khi năm 2015 là 7,94%, giảm dần 7,57% (năm 2016), 7,24% (năm 2017).
GS. Viện sỹ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, diễn biến tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN 10 năm gần đây giảm liên tục và mức giảm xuống 7% là cố gắng rất lớn và như vậy đã đưa Việt Nam thuộc về top những nước có tỷ lệ TTĐN tương đối thấp.
Ông Long cũng nhấn mạnh rằng, mức tổn thất trong hệ thống điện phụ thuộc nhiều vào năng lực đầu tư cho lưới điện. Lưới điện đầu tư càng tốt, càng hiện đại, mức TTĐN càng thấp, hiện nhiều nước đạt trên dưới 3%, đây là quá trình rất dài do đó cần chú ý đầu tư, hiện đại hoá lưới điện. Do đó, với Việt Nam, hiện trạng lưới điện, đặc biệt lưới điện phân phối mức dưới 5% là thành tựu rất đáng hoan nghênh.
Hệ thống điện Việt Nam trên thực tế, do ảnh hưởng địa hình kéo dài từ Bắc vào Nam, phụ tải phân bố rải rác, tỉ trọng công nghiệp chưa cao, tỉ trọng tiêu dùng dân cư lớn là các yếu tố không thuận lợi khi giảm TTĐN.
Ông Long cho rằng, vấn đề đặt ra là phải có sự quan tâm đầu tư thích đáng cho việc củng cố, phát triển lưới điện và cần có quy hoạch tương đối dài hạn với mục tiêu phấn đấu giảm tổn thất chung trên toàn lưới điện đặc biệt lưới phân phối. Ngoài giải pháp đầu tư, biện pháp vận hành hợp lý cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.
"Cụ thể, về việc đầu tư, chúng ta đã có Quy hoạch Tổng sơ đồ phát triển hệ thống điện nhưng nhiều lúc quy hoạch bị thực hiện chậm trễ vì nhiều nguyên nhân như thiếu vốn, đầu tư giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công cũng không đảm bảo đúng tiến độ cam kết. Nhiều dự án, công trình bị chậm tiến độ khi phụ tải tăng trưởng và đầu tư không đuổi theo kịp", ông Long nói.
Không ngoại trừ việc TTĐN tăng trong ngắn hạn
TTĐN trên lưới điện hiện nay của EVN chủ yếu là TTĐN kỹ thuật, đó là hiện tượng điện tiêu hao trên lưới điện trong quá trình truyền tải, phân phối. Tổn thất này phụ thuộc nhiều vào đặc điểm hệ thống điện và chi phí đầu tư cho hệ thống. Phần tổn thất trên lưới truyền tải sẽ ảnh hưởng đến giá thành truyền tải điện và tổn thất trên lưới phân phối sẽ ảnh hưởng đến giá thành phân phối điện.
Ông Trần Đình Long cho biết, có thể xảy ra hiện tượng tổn thất điện năng sẽ tăng trong giai đoạn nào đó do quy hoạch đầu tư lưới điện không đảm bảo, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước và đây là trường hợp mà nhiều nước đã mắc phải.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, chúng ta không giảm tổn thất điện năng bằng mọi giá mà phải cân đối, dựa trên cơ sở hiệu quả đầu tư và khả năng cung cấp điện ổn định trên lưới. Đầu tư phát triển hệ thống điện với mục tiêu đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội phục vụ đời sống nhân dân, ngày càng nâng cao chất lượng, độ tin cậy cấp điện. Trong đó, lưới điện sẽ được tăng cường hiện đại hơn, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy và góp phần giảm TTĐN.
Bên cạnh nỗ lực giảm tổn thất điện năng, EVN cũng cắt giảm chi phí sản xuất, chỉ tính riêng năm 2018 vừa qua, các đơn vị đã thực hiện nghiêm Quyết định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đã tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh được 1.366 tỷ đồng (~7,5% chi phí định mức).
Theo ông Long, mục tiêu giảm chi phí, tối ưu hoá chi phí, 1 vài năm gần đây EVN rất quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến giá điện mà người tiêu dùng phải trả, chi phí của EVN càng thấp, giá điện thấp, người tiêu dùng càng được lợi hơn.