Thiết lập tiêu chí cốt lõi để lựa chọn công nghệ điện hạt nhân

Là quốc gia lần đầu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam đã thiết lập các tiêu chí cốt lõi trong việc lựa chọn công nghệ điện hạt nhân.

Xây dựng và thiết lập bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ nhà máy điện hạt nhân là cần thiết cho bất cứ quốc gia nào trước khi quyết định lựa chọn công nghệ.

Đối với quốc gia lần đầu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân như Việt Nam, việc xây dựng và thiết lập bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ lại càng cần thiết và Việt Nam đã thiết lập các tiêu chí cốt lõi trong việc lựa chọn công nghệ điện hạt nhân.

Thiết lập tiêu chí cốt lõi

Ông Phan Minh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhấn mạnh: Trong phát triển điện hạt nhân, các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã yêu cầu trong quá trình triển khai phải xây dựng bộ tiêu chí phục vụ đánh giá và lựa chọn công nghệ.

Việc đánh giá và lựa chọn công nghệ cho phép triển khai các công nghệ tốt nhất để đáp ứng các mục tiêu của chương trình năng lượng hạt nhân phù hợp với hiệu quả và nhu cầu năng lượng của từng quốc gia. Điều này đảm bảo cho việc so sánh về kinh tế cũng như kỹ thuật trong thiết kế nhà máy điện hạt nhân và các công nghệ được đánh giá khách quan dựa trên những điều kiện, hạn chế và nhu cầu từng quốc gia, lựa chọn được thiết kế và công nghệ phù hợp nhất.

Chuyên gia Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt giới thiệu với khách tham quan về tính an toàn của điện hạt nhân - Ảnh Minh Nguyên

Sự cố hạt nhân tại Nhà máy Fukushima của Nhật Bản vào cuối tháng 3/2011 là bài học sâu sắc cho các cường quốc đang phát triển điện hạt nhân cũng như các nước đang chuẩn bị phát triển chương trình điện hạt nhân.

Do đó, khi xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam đã thiết lập và xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ nhà máy điện hạt nhân cho dự án Ninh Thuận. Các bài học kinh nghiệm, các yêu cầu thiết kế an toàn đều được thể hiện rõ trong bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ, đặc biệt các yêu cầu đặc thù của Việt Nam cũng là những yếu tố đóng vai trò quan trọng khi xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ điện hạt nhân.

Các đặc thù của Việt Nam liên quan đến các điều kiện khí hậu, tự nhiên, điều kiện văn hóa, con người... cũng là đặc thù trong xây dựng tiêu chí, thể hiện quan điểm, chủ trương phát triển điện hạt nhân, về định hướng xây dựng ngành điện hạt nhân cho khoảng thời gian lâu dài trong tương lai từ 50-100 năm.

Bộ tiêu chí được xây dựng bao quát đầy đủ các yêu cầu xem xét lựa chọn công nghệ lò phản ứng tốt nhất cho dự án đầu tư Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, đồng thời cũng đáp ứng đầy đủ yêu cầu mới về an toàn hạt nhân và bức xạ hậu Fukushima, phù hợp với yêu cầu riêng theo đặc thù của Việt Nam.

Các tiêu chí cốt lõi trong đánh giá lựa chọn công nghệ của Việt Nam gồm công nghệ hiện đại, tiên tiến; công nghệ được kiểm chứng; đảm bảo an toàn; đảm bảo hiệu quả kinh tế và các yêu cầu khác. Các tiêu chí đặc thù của Việt Nam gồm khả năng thu xếp tài chính; khả năng đào tạo nguồn nhân lực; khả năng chuyển giao công nghệ và nội địa hóa thiết bị; khả năng tháo dỡ khi nhà máy hết hạn vận hành.

Các ưu tiên trong thiết lập tiêu chí

Trong quá trình xây dựng và thiết lập bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ, Việt Nam đã căn cứ trên các tài liệu hướng dẫn của IAEA; tham khảo các tài liệu châu Âu, Hoa Kỳ, Pháp và một số quốc gia khác. 

Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã thiết lập và xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ mang tính chất cơ bản nhưng đầy đủ, chặt chẽ và có tính đến các yếu tố đặc thù của Việt Nam. Bộ tiêu chí được xây dựng đảm bảo công nghệ nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam hiện đại, tiên tiến nhất, đảm bảo an toàn cao nhất và như vậy sẽ đảm bảo tính bền vững của chương trình phát triển điện hạt nhân Việt Nam.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt - Ảnh Minh Nguyên

Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết trong xây dựng bộ tiêu chí, Việt Nam ưu tiên về công nghệ để đảm bảo an toàn trong vận hành và khai thác sử dụng trong điều kiện thực tế của Việt Nam. Do đó, tiêu chí công nghệ phải được thiết kế sao cho trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, tồi tệ nhất có thể xảy ra thì lò phải tự động dừng và giữ được trạng thái dừng lò an toàn mà không cần tới hành động của nhân viên vận hành trong một khoảng thời gian đủ dài.

Đối với công nghệ, do hoàn cảnh lịch sử và thực tế phát triển điện hạt nhân của từng quốc gia, trên thế giới nhiều nước sử dụng tới 2 hoặc 3 loại công nghệ. Nhưng tại Việt Nam do mới bắt đầu lựa chọn và phát triển điện hạt nhân, nên quyết định lựa chọn sử dụng một loại công nghệ để tránh việc phân chia nguồn lực quốc gia, đồng thời thuận lợi trong đào tạo cán bộ xây dựng, vận hành, bảo dưỡng… cũng như thuận lợi trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tiếp thu và chuyển giao công nghệ, hướng tới nội địa hóa theo các tiêu chuẩn cốt lõi Việt Nam đề ra.

Cùng với việc quyết định sử dụng một loại công nghệ, Việt Nam ưu tiên sử dụng công nghệ lò nước áp lực cải tiến (APWR), loại công nghệ phổ biến đã được kiểm chứng an toàn và nhiều nước áp dụng, nhiều hãng cung cấp thiết bị công nghệ và nhiên liệu phục vụ vận hành và bảo dưỡng.

Cũng theo ông Trần Chí Thành, trong phát triển điện hạt nhân, vì lợi lích lâu dài của quốc gia và phát triển bền vững, Việt Nam vẫn phải liên tục học hỏi và nghiên cứu những kinh nghiệm, sáng kiến mới của các nước trên thế giới như việc nâng cao các tính năng an toàn, đơn giản hóa trong thiết kế... để đạt hiệu quả cao nhất trong vận hành nhà máy sau này.


  • 23/02/2016 09:47
  • Theo TTXVN
  • 7522


Gửi nhận xét