Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh 2011 - 2015 của EVN

Ngày 10/7/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 854/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (giai đoạn 2011 – 2015) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ mục tiêu phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ đạo trong ngành Điện, đảm bảo an ninh và chất lượng cung cấp điện, đáp ứng yêu cầu của phát triển và an sinh xã hội. EVN sẽ nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển thông qua việc sử dụng mọi nguồn lực sẵn có, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu là: Quản lý vận hành và đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải, phân phối và kinh doanh bán điện. Theo như lộ trình, giá bán điện sẽ từng bước được điều chỉnh, đến năm 2013 giá bán điện bình quân theo giá thị trường.

Điện thương phẩm bình quân tăng trưởng 13%/năm

EVN sẽ tập trung vào 7 nhiệm vụ chính, trong đó có việc hoàn thành mục tiêu điện khí hóa nông thôn, đến năm 2015 đảm bảo 100% số xã có điện và 98% số hộ dân nông thôn có điện và hưởng giá bán điện theo quy định hiện hành. Định hướng, đến năm 2020, đảm bảo hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 13% năm.

Đồng thời, EVN phải bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành 42 tổ máy thuộc 20 dự án nguồn điện với tổng công suất 11.600 MW, trong đó có các dự án nguồn điện trọng điểm như các dự án nhà máy thủy điện: Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát; các dự án nhà máy nhiệt điện: Hải Phòng 2, Quảng Ninh 2, Mông Dương 1, Nghi Sơn 1, Thái Bình, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3.

Cũng theo kế hoạch đầu tư phát triển nguồn điện, EVN sẽ khởi công xây dựng 14 dự án nguồn điện với tổng công suất 12.410 MW để đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có các dự án trọng điểm: dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2; các dự án nhiệt điện Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 4; thủy điện tích năng Bắc Ái.

Giai đoạn này, EVN sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành 318 công trình lưới điện truyền tải 220 - 500 kV với tổng chiều dài đường dây khoảng 11.577 km và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 44.450 MVA. Đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện 110 kV, lưới điện trung, hạ áp từ cấp điện 35kV đến 0,4kV; bảo đảm nâng cao chất lượng điện năng và năng lực phân phối điện.

Tại quyết định phê duyệt của Thủ tướng cũng nêu rõ, EVN chịu trách nhiệm chính trong việc hoàn thành mục tiêu điện khí hóa nông thôn, với mục tiêu đến năm 2015 đảm bảo 100% số xã có điện và 98% số hộ dân nông thôn có điện và được hưởng giá bán điện theo đúng quy định hiện hành.

EVN tiếp tục được bố trí vốn đầu tư để cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận nhằm tăng cường khả năng cấp điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi và hải đảo. Đẩy mạnh phát triển điện nông thôn theo định hướng đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Giai đoạn 2011-2015, EVN tiếp tục được bố trí vốn để cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận (ảnh: Văn Lương).

Đảm bảo kinh doanh có lãi

Để đảm bảo kế hoạch tài chính cho EVN phát triển trong giai đoạn này, tại quyết định số 854/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt kế hoạch tài chính, kinh doanh của EVN giai đoạn 2011 - 2015 như sau: Thực hiện phân bổ các khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện chưa tính hết vào giá điện từ trước năm 2011 cho các năm 2012 và 2013; phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tổng vốn điều lệ của EVN sau đánh giá lại tài sản là 143.404 tỷ đồng.

Trong các năm 2012 - 2015, Tập đoàn đảm bảo kinh doanh có lãi. Đến năm 2015 các chỉ tiêu tài chính đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn: Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần; tỷ lệ tự đầu tư lớn hơn 30%; hệ số thanh toán nợ lớn hơn 1,5 lần.

EVN thực hiện tăng năng suất lao động hàng năm, đảm bảo tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn tốc độ tăng tiền lương; giảm điện năng dùng cho sản xuất, truyền tải và phân phối điện, đảm bảo điện dùng cho truyền tải và phân phối điện năm 2015 không cao hơn 8%. Từng bước nâng dần giá bán điện, đến năm 2013 giá bán điện bình quân theo giá thị trường.

Về kế hoạch huy động nguồn vốn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu EVN tập trung huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu đầu tư và trả nợ vốn vay trong nước giai đoạn 2011 - 2015 là 501.470 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư trong nước 368.759 tỷ đồng, với 60,5% đầu tư cho nguồn điện, 17,8% cho lưới điện truyền tải, 20,7% đầu tư lưới điện phân phối trung, hạ thế và đầu tư cho các công trình khác là 1%. Trả nợ gốc và lãi vay là 130.668 tỷ đồng, góp vốn đầu tư các dự án điện 2.042 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt.

 

Kế hoạch cung ứng điện 5 năm giai đoạn 2011 – 2015

(Theo quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ)

 Chỉ tiêu chính

2011

2012

2013

2014

2015

Điện sản xuất và mua ngoài (triệu kWh)

106.482

118.100

133.200

150.200

169.500

Tốc độ tăng trưởng (%)

9,4

10,9

12,8

12,8

12,8

Điện thương phẩm (triệu kWh)

94.675

105.000

118.650

134.045

151.500

Tốc độ tăng trưởng (%)

10,5

10,9

13,0

13,0

13,0

 

 

 


  • 14/07/2012 03:33
  • Lương Nguyên
  • 3727


Gửi nhận xét