Hiện trường vụ việc vi phạm khoảng cách an toàn hành lang an toàn lưới điện tại vị trí khoảng cột 123 ÷ 124 thuộc xuất tuyến 475 Huế 2
|
Cụ thể trong tháng 2/2023, qua kiểm tra thực tế hiện trường, công ty đã phát hiện tại vị trí khoảng cột 123 ÷ 124 thuộc xuất tuyến 475 Huế 2, xe cẩu của một đơn vị thi công vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây điện 22kV đang mang điện. Khoảng cách từ vị trí cần cẩu đến điểm gần nhất của đường dây 22kV là 0,8m, vi phạm khoảng cách an toàn hành lang an toàn lưới điện theo Nghị định 14/2014/NĐ- CP ngày 26/02/2014.
Địa điểm thuộc địa bàn quản lý của Điện lực Bắc Sông Hương, qua đó đơn vị đã kịp thời cảnh báo, ngăn chặn, liên hệ và có biên bản làm việc, đồng thời gửi thông báo an toàn đến chủ đầu tư và đơn vị thi công. Đồng thời, thông báo đến các CBCNV đơn vị thi công và các nhà thầu thi công tuyệt đối không được vận chuyển thi công xe cẩu trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định; không thi công vận chuyển cơi nới xây dựng về phía đường dây 22kV để đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu là 1m (dây bọc). Trong quá trình thi công phải cử người giám sát, đồng thời phổ biến thông báo, các thông tin mà ngành Điện đã cảnh báo đến đơn vị chủ quản và đơn vị thi công.
Một trường hợp tương tự tại địa bàn huyện A Lưới, phát hiện đơn vị thi công đang thực hiện đào múc dưới đường dây 22kV và đường dây 0,4kV có nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện cao áp, Điện lực A Lưới đã nhanh chóng gửi thông báo an toàn và hướng dẫn cho chủ đầu tư, đơn vị thi công nhận biết mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng của việc thi công gần lưới điện nếu không tuân thủ đúng quy định, hướng dẫn đơn vị thi công phải đảm bảo khoảng cách của phương tiện thi công đến lưới điện.
Nhiều năm trở lại đây, PC Thừa Thiên Huế đã duy trì không để phát sinh nhà, công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp nhờ việc phối hợp với chính quyền địa phương, thực hiện việc tăng cường kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các nhà, công trình có nguy cơ vi phạm.
Đối với nhà, công trình được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện thường xuyên việc thống kê, cập nhật lên chương trình và đã gửi thông báo an toàn đến tập thể, cá nhân có nhà, công trình để kiểm soát, theo dõi. Đến nay đã cập nhật được 1.060 nhà, công trình được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
Bên cạnh đó, đối với công tác quản lý hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, công ty đã xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, nhằm phổ biến kiến thức, quy định đến với người dân thông qua việc treo các biển cảnh báo phát quang hành lang tuyến, dán áp phích tuyên truyền nhằm hạn chế sự cố do người dân chặt cây, thu hoạch rừng trồng ở những vị trí có đường dây đi qua khu vực cây, rừng trồng của người dân; cắm bảng tuyên truyền tại những nơi tập trung đông người và phối hợp với đài truyền thanh các huyện tuyên truyền về Nghị định 14, 51, 134, 17 của Chính phủ.
Hàng năm, công ty đều phối hợp với Sở Công Thương thực hiện tuyên truyền về bảo vệ hành lang lưới điện cho lực lượng là lãnh đạo thôn, xã, huyện tại các huyện, thị xã; phối hợp với chính quyền địa phương làm công tác dân vận để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm khi trồng cây dưới và gần đường dây điện, các nguy cơ khai thác cây ngã đổ vào đường dây và mức độ xử phạt khi vi phạm, phối hợp với đài truyền hình địa phương thực hiện các phóng sự về bảo vệ hành lang tuyến, thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, loa di động, gửi thông báo an toàn đến các chủ phương tiện như xe múc, xe cẩu, xe phun bê tông...
Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với địa phương, tăng cường công tác kiểm tra hơn nữa để triển khai có hiệu quả các biện pháp, bảo vệ nghiêm ngặt hành lang an toàn lưới điện.