Theo tìm hiểu, bãi thải đất, bùn trên là sản phẩm của việc thi công Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây, do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Khu Kinh tế Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (Ban QLDA ĐTXD Khu kinh tế công nghiệp tỉnh TT-Huế) làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 1 có tổng kinh phí hơn 700 tỷ đồng thực hiện từ năm 2018 đến 2020. Chiều dài đê 450 mét, thân đê bằng đá phủ bê tông. Khi thi công phải nạo bùn từ đáy biển ở độ sâu 10-12 mét, với khoảng 870.000 mét khối bùn biển và cát đưa lên bờ. Được biết, hai đơn vị thi công cho hạng mục này bao gồm liên danh Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô (LCC) và Công ty Cổ phần Đạt Phương (ĐP).
Nước dâng cao uy hiếp các TBA, tụ điện tại khu vực cảng Chân Mây
|
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thi công các đơn vị đã bơm nước, bùn, cát, vào bờ quá nhiều, khiến nước ở khu vực này dâng cao uy hiếp hành lang an toàn lưới điện.
Trước tình trạng đó, ngày 28/5/2018, Giám đốc Điện lực Phú Lộc (thuộc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế) phải gửi công văn đến các cơ quan liên quan như Ban QLDA ĐTXD Khu kinh tế công nghiệp tỉnh TT-Huế, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên danh các nhà thầu thi công công trình đê chắn sóng cảng Chân Mây để báo cáo tình hình khẩn cấp trên.
Nội dung công văn nêu rõ: Nguyên trạng trạm biến áp (TBA) kiểm soát Biên phòng Chân Mây được xây dựng ở vị trí khô ráo, loại trạm treo trên 1 cột, trạm được thiết kế đúng tiêu chuẩn ngành Điện. Tuy nhiên thời gian qua các đơn vị Liên danh nhà thầu ĐP-LCC... thi công bờ bao bãi đổ đất nạo vét đã bơm nước vào khu vực có TBA kiểm soát Biên phòng Chân Mây đang vận hành làm xảy ra tình trạng ngập nước đến sát đáy tủ hạ thế gây mất an toàn điện đối với người dân, thiết bị điện và vật nuôi. Với tình trạng đó, Điện lực Phú Lộc phải cắt áp tô mát tổng của TBA để đảm bảo an toàn. Qua đó, điện lực Phú Lộc cũng đã đề nghị các đơn vị thi công phải có phương án xử lý khi thi công để đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến công trình điện.
Khi trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo đồn biên phòng Chân Mây cho biết: Trước đây, dây sau công tơ từ trạm TBA đến đồn biên phòng được thực hiện ngầm dưới đất, tuy nhiên sau khi các đơn vị thi công gây ngập nước, nhận thấy nguy hiểm chúng tôi không còn bắt điện ngầm nữa. Sự cố trên buộc chúng tôi phải mắc tạm điện các đơn vị xung quanh trong vài ngày. Về lâu dài đề nghị các đơn vị liên quan nên tìm phương án an toàn để cung cấp điện cho các đơn vị, người dân sử dụng điện.
Công ty Long Đại Thịnh múc đất gây nguy hiểm hệ thống móng cột từ VT 86-90 xuất tuyến 474
|
Tiếp đến, trong ngày 29/5/2018, Giám đốc Điện lực Phú Lộc gửi công văn cho Ban QLDA ĐTXD Khu kinh tế công nghiệp tỉnh TT-Huế và Công ty TNHH Long Đại Thịnh (Đơn vị thi công gói thầu San lấp mặt bằng khu lưu thông hàng hóa tại cảng Chân Mây) về việc đảm bảo an toàn xuất tuyến 474 Cầu Hai từ vị trí 86 đến vị trí 90. Nội dung công văn nêu, trong quá trình thi công đã đào múc đất gây ảnh hưởng đến hệ thống móng cột từ VT 86-90 thuộc XT 474 Cầu Hai, vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn lưới điện, tiềm ẩn nguy cơ cao gây gãy đổ cột. Sau đó, Điện lực Phú Lộc thực hiện đình chỉ đơn vị thi công.
Ông Đinh Xuân Biên – Giám đốc Điện lực Phú Lộc cho biết: Xuất tuyến 474 Cầu Hai – cảng Chân Mây được xây dựng từ năm 2000, mục đích chính là phục vụ cho việc xây dựng cảng nước sâu Chân Mây, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, người dân dọc trục đường chính đi vào cảng, tức là đường dây điện này có trước khi các công trình này thi công. Tuy nhiên, khi thực hiện thi công các đơn vị này không có một thông báo gì phối hợp với ngành điện để tháo gỡ vướng mắc. Gần đến mưa mưa bão, nếu sự cố xảy ra thì hậu quả thiệt hại vô cùng lớn. Do vậy, để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện đề nghị chủ đầu tư dự án, liên danh các nhà thầu cùng Điện lực Phú Lộc họp bàn đưa ra phương án giải quyết căn cơ vấn đề này, ông Biên cho biết thêm.