Cần có thêm một tổng sơ đồ về vốn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, khó khăn nhất trong việc triển khai Quy hoạch điện VII chính là huy động vốn. Vì thiếu vốn nên việc phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VI chỉ đạt 70-80% kế hoạch. Để tháo gỡ vấn đề này, Chính phủ cho phép tất cả các dự án đầu tư vào ngành Điện đều có cơ chế khuyến khích thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài. Mười năm đầu của Quy hoạch, mỗi năm Việt Nam cần gần 5 tỷ USD, 5 - 10 năm kế tiếp, chúng ta cần khoảng 7 tỷ USD/năm. Để huy động nguồn vốn cho đầu tư vào Quy hoạch điện VII thành công, Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, ngoài việc tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, phát triển các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong ngành điện có tín nhiệm tài chính cao, tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)…
Cùng chia sẻ với báo giới về vấn đề này, Chủ tịch HĐTV EVN Đào Văn Hưng cho biết, với quy mô đồ sộ của Quy hoạch điện VII, trong 10 năm tới, Chính phủ sẽ phải huy động tổng lực nguồn vốn, năng lực đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp nước ngoài. Từ trước đến nay, chúng ta chưa bao giờ đầu tư cho ngành điện quá 3 tỷ USD/năm. Nhưng trong Quy hoạch điện VII của Chính phủ, cần tới 5-7 tỷ USD/năm để đảm bảo cho các dự án nguồn và lưới điện là một điều rất khó khăn trong buối cảnh như hiện nay.
Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (Thanh Hóa) nỗ lực đảm bảo tiến độ vận hành vào năm 2013 theo Quy hoạch điện VII (Ảnh: Ngọc Cảnh)
|
Để đảm bảo tính khả thi cho các dự án, cần phải có thêm một "Tổng sơ đồ vốn" đặt lên bàn để cân nhắc tính toán và có sự chỉ đạo từng năm, từng giai đoạn 5 năm để chỉ ra nguồn vốn đầu tư sẽ huy động như thế nào. Như vậy, Chính phủ cần xây dựng song hành thêm 3 tổng sơ đồ khác là Tổng sơ đồ về nguồn năng lượng sơ cấp (thủy điện, than, dầu, khí…), tổng sơ đồ về nguồn vốn và tổng sơ đồ về mặt bằng giá điện để tạo thế kiềng 3 chân vững chắc, đảm bảo hoàn thành Quy hoạch điện VII. Trong số những dự án EVN chịu trách nhiệm ở Quy hoạch điện VII, hầu hết các nhà máy lớn đã được khởi công, Chính phủ cũng rất nỗ lực hỗ trợ thu xếp vốn nên khả năng sẽ hoàn thành đúng tiến độ.
Mở nút thắt về giá điện
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, một trong những điểm mới của Quy hoạch điện VII là cơ chế giá điện đã được mở nút thắt. Theo đó, giá bán điện được thực hiện theo kinh tế thị trường nhằm khuyến khích đầu tư phát triển vào ngành Điện.
Giá điện được điều chỉnh từ ngày 1/3/2011 tăng lên 15,28%. Tuy nhiên, mức giá này không đủ khắc phục khó khăn tài chính của ngành Điện, chưa đủ để EVN hoạt động có lãi. Có nhiều giải pháp huy động vốn cho ngành Điện, nhưng giải pháp quan trọng nhất là làm sao để khắc phục vấn đề giá điện. Vì thế, Quy hoạch điện VII đã đưa ra lộ trình thực hiện, đến năm 2020, giá điện Việt Nam phải đạt 8-9 cent/kWh, đảm bảo hoạt động của ngành Điện. Từ nay tới lúc đó, chúng ta có 10 năm để thực hiện lộ trình tăng giá điện. Thứ Trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh giá điện vẫn đang được tính toán thận trọng để vừa giải quyết tình hình tài chính cho các đơn vị sản xuất điện nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Tháo gỡ giải phóng mặt bằng
|
Vệ sinh nóng thiết bị điện bằng công nghệ mới tại trạm 500 kV đảm bảo hệ thống điện được vận hành an toàn liên tục (Ảnh minh họa) |
Quy hoạch điện VI sau 5 năm triển khai (2006-2010) mới chỉ thực hiện được khoảng 70% các dự án phát triển nguồn điện và hơn 60% các dự án phát triển lưới điện. Do đó, số các dự án chậm tiến độ còn lại đã được chuyển sang thực hiện trong Quy hoạch điện VII. Một trong những nguyên nhân chính gây chậm trễ các dự án điện chính là do công tác giải phóng mặt bằng và việc giành quỹ đất cho phát triển nguồn và lưới điện.
Tại Quy hoạch điện VII, Thủ tướng Chính phủ quy định việc phát triển lưới điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn 2010 đến 2030. Theo đó, phát triển đường dây truyền tải điện đồng bộ với nguồn, có dự phòng cho phát triển lâu dài, từng bước ngầm hóa lưới điện tại các thành phố, thị xã.
Về lưới điện truyền tải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước trong khu vực, lưới điện truyền tải được đầu tư đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 cho các thiết bị chính… Để thực hiện được nhiệm vụ này, đại diện các đơn vị truyền tải, các nhà thầu xây lắp điện quan tâm nhất đó là bài toán về công tác giải phóng mặt bằng luôn là bài toán khó?
Tuy nhiên, với những hy vọng tạo ra sự đột phá mới, Quy hoạch điện VII đã gợi mở ra một số cơ chế, chính sách và từng công việc cụ thể trong công tác giải phóng mặt bằng. Theo như lời thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, đó là để thực hiện Quy hoạch điện VII thành công, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm rất cụ thể cho các địa phương, yêu cầu các địa phương phải dành quỹ đất trong quy hoạch sử dụng đất của mình cho tất cả các dự án nguồn và lưới điện đã được đưa vào Quy hoạch lần này. Việc giao địa phương chủ động quĩ đất để phát triển điện sẽ là biện pháp góp phần khắc phục hạn chế này.
Tin rằng, thời gian tới, với sự với sự quyết tâm của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa EVN, các Tập đoàn hoạt động trong ngành điện lực và các địa phương thì vấn đề giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện nhanh chóng. Quy hoạch VII sẽ được thực hiện thành công, đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.
- Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII hay còn gọi là Tổng sơ đồ điện VII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011.
- Giai đoạn 2010 – 2020, nhu cầu huy động vốn lên tới 5 tỷ USD/năm;
- Giai đoạn 2021-2030, cần khoảng 7,5 tỷ USD/năm;
- Trung bình mỗi năm cần khoảng 4,88 tỷ USD.
|