Thực hiện chủ đề năm 2019 là cơ sở để xét lương, thưởng cho từng đơn vị

Đó là khẳng định của ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi trao đổi với PV Tạp chí Điện lực xoay quanh việc thực hiện chủ đề năm 2019 của EVN “Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện”.

Ông Ngô Sơn Hải

PV: Thưa ông, vì sao EVN chọn chủ đề năm 2019 là “Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện” ? 

Ông Ngô Sơn Hải: Tính đến cuối năm 2018, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam đạt hơn 48.500 MW, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 30 thế giới. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện những năm qua bình quân khoảng 10%/năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong 5 đến 10 năm tới. Do đó, thách thức đặt ra với ngành Điện trong việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn.

Cùng với đó, công suất các nhà máy thuỷ điện đến nay vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường. Hệ thống lưới điện truyền tải tại một số khu vực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt, hệ thống lưới điện truyền tải siêu cao áp Bắc - Nam còn xảy ra nghẽn mạch tại một số thời điểm. Cung cấp nhiên liệu (than/khí) cho các nhà máy nhiệt điện còn gặp nhiều khó khăn. Phát triển quá nóng của các nguồn điện gió, điện mặt trời tại một số khu vực gây quá tải cục bộ tại một số đường dây/trạm biến áp truyền tải. 

Trong bối cảnh này, một trong các giải pháp đã được EVN triển khai quyết liệt nhiều năm qua và được HĐTV Tập đoàn quyết định chọn làm chủ đề của năm 2019 là: “Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện”. 

PV: Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị triển khai chủ đề năm như thế nào thưa ông? 

Ông Ngô Sơn Hải: Để triển khai có hiệu quả chủ đề này, Tập đoàn và các đơn vị từ khối phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, đến điều độ… đều phải xây dựng chương trình hành động cụ thể, kèm theo các giải pháp đồng bộ, quán triệt đến lãnh đạo, CBCNV, người lao động để nghiêm túc triển khai một cách có hiệu quả.

Để giám sát và có cơ chế thưởng/phạt khi thực hiện chủ đề năm, Tập đoàn đã giao kế hoạch với các chỉ tiêu cụ thể. Đây là cơ sở pháp lý, đánh giá mức độ hoàn thành công việc, từ đó quyết định mức lương mà các đơn vị và người lãnh đạo sẽ được nhận. Ngoài ra, mức độ hoàn thành công việc, hoàn thành các chỉ tiêu trong chủ đề năm cũng là tiêu chí để Tập đoàn căn cứ vào để xem xét khi thực hiện đánh giá khen thưởng hàng năm. 

PV: Để vận hành hiệu quả hệ thống điện và thị trường điện, việc duy trì sự ổn định của nhà máy điện có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, sự ổn định của các tổ máy nhiệt điện than là vấn đề cần bàn. Ông có thể giải thích cụ thể hơn và giải pháp nào cho vấn đề này?

Ông Ngô Sơn Hải: Hiện nay, hệ thống điện Việt Nam có 64 tổ máy nhiệt điện than với tổng công suất 18.579 MW, chiếm 37,86% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Do nhà máy nhiệt điện than có nhiều công đoạn liên hoàn từ cung cấp nhiên liệu, xử lý nước, nghiền than, lò hơi, tuabin, máy phát, làm mát đến các hệ thống bảo vệ môi trường, thải tro xỉ... chỉ cần một trong công đoạn đó gặp sự cố, sẽ ảnh hưởng tới các công đoạn khác và làm ảnh hưởng ngay đến công suất của tổ máy phát điện.

Trước đây, các nhà máy nhiệt điện than như Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại 1 và ngay cả Phả Lại 2 sau khi xây dựng phải trải qua một số năm mới vận hành ổn định. Vì thế, đối với tổ máy mới đưa vào vận hành, năm đầu tiên thường chỉ đạt công suất khoảng 50% thiết kế. Tuy nhiên, những nhà máy nhiệt điện xây dựng gần đây đã có nhiều tiến bộ hơn như, các nhà máy Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 1,… mặc dù đang trong giai đoạn chạy thử, nhưng đã đạt gần 80% công suất trung bình của các nhà máy. Tuy vậy, các thiết bị vẫn còn nằm trong giai đoạn đầu vận hành, cần phải tiếp tục hiệu chỉnh. 

Bên cạnh đó, chất lượng than cũng là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động hiệu quả của tổ máy. Than quá ẩm, nhiệt lượng không đều, thành phần lưu huỳnh cao, tỷ lệ tro cao, nhiệt độ nóng chảy của tro thấp,… cũng làm ảnh hưởng nhiều đến sự ổn định của các tổ máy. 

Thực tế cho thấy, do trong hệ thống điện, tỷ trọng thủy điện cao, phân bố không đều trong các vùng (miền Bắc, miền Trung có nhiều thủy điện, miền Nam ít), để đảm bảo kinh tế của hệ thống, vào mùa mưa, các nhà máy nhiệt điện than phải vận hành ở chế độ bất lợi (thủy điện phát nền, nhiệt điện than tăng giảm công suất nhiều lần trong ngày, nhiều lúc phải giữ công suất tối thiểu giống như ô tô chạy trong thành phố đông người). Ngược lại, trong mùa khô, các nhà máy nhiệt điện than sẽ được huy động ở chế độ chạy nền với công suất định mức. Khi đó tổ máy sẽ đạt được hiệu suất cao và giữ được sự ổn định trong vận hành.

Để khắc phục những tình trạng trên, EVN đã xây dựng đề án nâng cao độ tin cậy, hiệu suất NMNĐ than và đưa ra 7 nhóm giải pháp cụ thể. Việc triển khai các nhóm giải pháp ban đầu đã đạt những kết quả tốt, các nhà máy nhiệt điện than trong quý I/2019 đã sản xuất được 27,9 tỷ kWh, nhiều hơn 5,78 tỷ kWh so với quý I năm 2018 (tăng 26,12%), tháng 3/2019 nhiệt điện than lập kỷ lục mới, sản xuất 10,77 tỷ kWh, vượt kế hoạch và chiếm 53,38% tổng sản lượng điện sản xuất và xuất nhập khẩu của toàn hệ thống.

PV: Việc liên tục phải truyền tải sản lượng điện cao từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam đã ảnh hưởng thế nào đến độ an toàn, ổn định của hệ thống điện. EVN thực hiện giải pháp nào nhằm giảm áp lực truyền tải sản lượng điện cao vào miền Nam, thưa ông? 

Ông Ngô Sơn Hải: Đúng là năng lực truyền tải của đường dây 500 kV Bắc - Nam trong những năm gần đây đã luôn ở mức tới hạn. Tăng sản lượng điện truyền tải cho miền Nam và đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện hiện nay là vô cùng khó khăn. 

Để đảm bảo cấp điện cho miền Nam, giảm bớt áp lực lên hệ thống truyền tải 500kV Bắc - Nam, năm 2019, EVN đang tập trung khai thác tối đa các nguồn điện hiện có tại miền Nam. Thời gian tới, không chỉ EVN mà nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước phải tập trung thực hiện các dự án trọng điểm như, hoàn thành dự án đường dây 500 kV mạch 3, các nhà máy điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 3 mở rộng, các nhà máy tại Trung tâm điện lực Sông Hậu, Long Phú do PVN làm chủ đầu tư... 

Các nguồn khí khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đang giảm dần, cần ưu tiên cấp khí cho sản xuất điện, đồng thời đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu khí LNG, cung cấp bổ sung và cho các dự án mới.

PV: Được biết, EVN đang tích cực triển khai trương trình điều chỉnh phụ tải, ông đánh giá thế nào về Chương trình này? 

Ông Ngô Sơn Hải: EVN đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Chương trình Quốc gia về quản lý phụ tải điện (DSM) giai đoạn 2018 - 2030. Trước mắt, EVN đang chỉ đạo các tổng công ty điện lực, các đơn vị liên quan tập trung thực hiện Chương trình điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại.  

Các chương trình điều chỉnh phi thương mại cần sự hỗ trợ và phối hợp rất nhiều từ phía khách hàng. EVN đã đề xuất với Chính phủ có cơ chế tài chính để điều chỉnh phụ tải, đem lại hiệu quả cao hơn và có lợi hơn cho cả khách hàng và cho ngành Điện.

Các giải pháp điều chỉnh phụ tải được xem làm một trong các giải pháp quan trọng giúp EVN đảm bảo vận hành hệ thống điện một cách an toàn, tin cậy và hiệu quả. Ngoài ra, chương trình cũng mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng như: Được cung cấp điện chất lượng ổn định, được hưởng dịch vụ chăm sóc khách hàng đặc biệt... nếu như có cơ chế tài chính rõ ràng từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn! 


  • 09/05/2019 02:36
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 14244