Thủy điện Sơn La: Công trình của Trí - Lực Việt Nam

Khánh thành ngày 23/12/2012, Thủy điện Sơn La – công trình trọng điểm quốc gia, quy mô lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, đã “về trước hẹn” 3 năm so với Nghị quyết Quốc hội, cung cấp gần 13 tỷ kWh cho nguồn lưới quốc gia, đã làm lợi cho ngân sách hơn 45.000 tỷ đồng từ doanh thu...

Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ cắt băng khánh thành công trình Thủy điện Sơn La  - Ảnh: Ngọc Hà                            

 

Phía sau những con số đó, chính là khúc tráng ca bất hủ được được cất lên từ dòng Đà giang vốn hung dữ, nay đã bị khuất phục bởi ý chí Việt Nam, để làm ra nguồn điện thắp sáng núi rừng Tây Bắc.

Cũng từ đây đã xuất hiện những kỳ tích, kỷ lục, những cái lần đầu tiên, đặc biệt… trên các lĩnh vực từ công trình quan trọng này trong 3.000 ngày đêm… với đủ các cung bậc khó khăn, thách thức, thời tiết… thử thách lòng quyết tâm, quả cảm, ý chí của các lực lượng thi công trên công trình.

Công trình Thủy điện Sơn La (TĐSL) có quy mô lớn nhất nước ta về công suất, vốn đầu tư và di dân tái định cư (TĐC), với tổng công suất 2.400 MW, gồm 6 tổ máy, với sản lượng điện cung cấp trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh - đã được đóng dấu son và chính thức đi vào vận hành thương mại. Nhìn lại những gì mà tập thể hàng chục ngàn người lao động trên công trường xây dựng đã đổ bao công sức, trí tuệ, mồ hôi và cả những hy sinh trong suốt 7 năm qua, có thể tự hào mà rằng: Thủy điện Sơn La là kết tinh của Nội lực Việt Nam. Nhưng trên hết, đó là sự cộng hưởng cùng một quyết tâm, ý chí, để có được thành quả như ngày hôm nay.

Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Sơn La - Ảnh: Thu Hiền

Dấu ấn đặc biệt, ẩn chứa những cái “lạ” ở công trình này mà nhờ đó, tiến độ của TĐSL đã được rút ngắn hai năm: với ý chí quyết tâm rút ngắn tiến độ, bằng tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, chủ đầu tư (EVN) và Tổng thầu (TCT Sông Đà) đã mạnh dạn đề xuất Chính phủ giải pháp “chuẩn bị hạ tầng trước khi có quyết định đầu tư và phê duyệt thiết kế”, dẫn đến sự kiện: lần đầu tiên cùng lúc tổ chức khởi công và ngăn sông Đà đợt 1 – một cách làm sáng tạo và chưa có tiền lệ ở các công trình thủy điện lúc bấy giờ, mở ra thời kỳ thi công cao điểm trên toàn công trình, cũng có nghĩa là tiến độ thi công đã được đẩy nhanh lên, tạo đà cho những hạng mục tiếp theo “dấn bước”. Tiếp sức cho các đơn vị tham gia công trình thủy điện Sơn La, Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết sách, chỉ đạo sát sao như việc ban hành Cơ chế đặc biệt trong quản lý và thực hiện dự án, thành lập BCĐ nhà nước về TĐSL do Phó thủ tướng thường trực là Trưởng ban, điều phối các bộ, ngành, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ phát điện tổ máy số 1 vào năm 2010, sớm 2 năm.

Trên công trình TĐSL, nhiều người còn mãi nhắc nhở về quyết định “nhớ đời” của chủ đầu tư và tổng thầu khi đã chủ động, quyết tâm, mạnh dạn đầu tư, lần đầu tiên áp dụng công nghệ hiện đại trong thi công đập bê tông đầm lăn (RCC) tại Việt Nam, giảm chi phí đầu tư và rút ngắn thời gian thi công đập TĐSL. Với dây chuyền này, cùng hệ thống phun sương hỗ trợ, công suất thi công mặt đập đã tăng từng ngày, trong gần 3 năm, lực lượng thi công đã thực hiện được 2,7 triệu m3 bê tông đầm lăn trong 32 tháng, bảo đảm chất lượng theo thiết kế công trình, mở ra khả năng áp dụng công nghệ này cho các công trình thủy điện tiếp sau như Bản Chát, Lai Châu… Hiển nhiên đây được coi là một kỳ tích thứ ba chứng tỏ trí tuệ, bản lĩnh, quyết tâm lớn của những người thợ xây dựng Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Mới đây, tại Hội nghị Đập đầm lăn của thế giới tổ chức tại Tây Ban Nha, đập bê tông đầm lăn của công trình TĐSL được nhắc đến trong tài liệu hội nghị là một trong 10 đập bê tông đầm lăn lớn trên thế giới (top 10) về tiến độ, khối lượng, chiều cao.

Tại đại công trường TĐSL, người ta đã ghi nhận nhiều kỷ lục xuất hiện trong quá trình xây dựng. Nếu như Thủy điện Hòa Bình có hơn 4.000 thợ lắp máy và trên 100 chuyên gia nước ngoài thì tại Sơn La không có chuyên gia nước ngoài hỗ trợ, chỉ có chuyên gia giám sát cùng với chuyên gia Việt Nam. Ở đây, lực lượng thi công chủ yếu bằng cơ giới, máy móc, thiết bị chuyên dụng, giảm nhiều lao động thủ công. Trong hơn 6 năm xây dựng Lilama10 đã tham gia chế tạo và lắp đặt an toàn 73.000 tấn thiết bị/115.000 tấn. Phần lớn các hạng mục do Lilama 10 đảm nhận đều khó và đòi hỏi độ chính xác tới từng milimet như: Thiết bị đập tràn, cửa nhận nước đường ống áp lực, thiết bị hạ lưu, thiết bị cơ điện và quan trọng nhất là việc lắp đặt roto của 6 tổ máy vì đây là những phần việc sống còn cho hoạt động phát điện của công trình…

Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Thủy điện Sơn La - Ảnh: Thu Hiền

Kỳ tích TĐSL sớm phát điện tổ máy số 1 trước 2 năm, làm lợi cho đất nước 10.000 tỷ đồng mỗi năm đã làm cho hàng ngàn con tim trên công trường vui sướng vỡ òa. Họ tự hào vì đây là công trình mà từ khâu tư vấn, thiết kế, xây dựng và một phần thiết bị đều do bàn tay khối óc của những kỹ sư công nhân Việt Nam thực hiện.

Trên công trường xây dựng TĐSL, có lúc cao điểm lên đến 12.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động làm việc miệt mài suốt 7 năm qua, đã và sẽ còn nhiều tấm gương về sự sáng tạo, cống hiến, đức hy sinh vì dòng điện đất nước. Những đồng nghiệp tôi đã kể về AHLĐ Nguyễn Tăng Cường chế tạo chiếc cần cẩu 1.200 tấn với 90% tỷ lệ nội địa hóa làm cho giới cơ khí nước nhà “ kính nể” cả đức lẫn tài. Ông “vua” cần cẩu này còn có thể cho ra đời những chiếc cần cẩu 5.000-6.000 tấn “made in Vietnam” với giá còn cạnh tranh hơn giá của nước láng giềng.

Đó còn là AHLĐ, TGĐ Nguyễn Đăng Sâm, CTCP vận tải Đa phương thức – Vietranstimex, mà "trận đánh" của ông là đưa các thiết bị nặng 280 tấn qua cầu Mường La chỉ cho phép xe tổng trọng tải tối đa 30 tấn đi qua, với mong muốn chân thành: “Tôi chỉ muốn chứng minh người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, đủ sức làm những việc tưởng như không thể. Vấn đề chỉ là có niềm tin và tính toán khoa học”. Rồi tấm gương “cây sáng kiến”mang lại hiệu quả kinh tế cao như Phạm Bá Trình, CTCP Sông Đà 5; là Bùi Phương Nam, Trưởng phòng Giám sát kỹ thuật, Ban A giỏi chuyên môn, say mê và gắn bó với nghề, làm việc hiệu quả, đều được các cấp đề nghị Nhà nước tặng thưởng HCLĐ Hạng 3 trong dịp khánh thành TĐSL…

Thủy điện Sơn La lung linh trong đêm Tây Bắc - Ảnh: Vũ Lam

Một trong những quy mô lớn nhất của TĐSL là cuộc “đại hànhh hương di dân TĐC” với hơn 20.300 hộ dân vùng lòng hồ Sông Đà của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, tự nguyện bỏ lại “quê cha đất tổ, mồ mả tổ tiên”, cả những di tích văn hóa không thể mang dỡ, nhường diện tích mặt bằng cho xây dựng thủy điện, làm ra ánh sáng tương lai, về nơi ở mới tại những điểm TĐC. Riêng Sơn La đã có 12.548 hộ gia đình trong diện di chuyển TĐC. Đây có thể được coi là “cuộc cách mạng lớn nhất” về công tác tư tưởng, phương thức tổ chức, cách làm sáng tạo và bài học kinh nghiệm quý báu, không chỉ cho 3 tỉnh thành phần, mà còn đối với cả nước. Qua cuộc đại di dân này, nhiều cơ chế, chính sách nguồn lực phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống người dân vùng TĐC đã được tỉnh đề xuất và được Chính phủ, các cấp chức năng bổ xung, đáp ứng, hỗ trợ kịp thời, để tỉnh đạt mục tiêu an toàn trong quá trình di chuyển người và tài sản của dân, với phương châm “nơi ở mới phải tốt hơn nơi cũ”, để dự án thành phần này góp phần cùng hoàn thành mục tiêu tiến độ dự án xây dựng TĐSL, củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc Tây Bắc với những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước “vì dân, do dân”.

Công trình TĐSL đã khẳng định những kỳ tích phi thường của tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam, họ đã làm chủ công nghệ, thiết bị, thể hiện năng lực kỹ thuật chuyên môn cao trong lĩnh vực xây dựng thủy điện. Các lực lượng có mặt trên công trường đã tiếp nối “bản trường ca” chinh phục sông Đà, đưa công trình trở thành một biểu tượng sinh động cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Vinh quang thuộc về những người đúng hẹn! Tôi đã từng thấy quyết tâm này tại nhiều công trình thủy điện lớn của đất nước như Hòa Bình, Yaly, Sê San, Tuyên Quang. Nay đến TĐSL, quyết tâm ấy, mong muốn ấy đã được nâng lên một tầm cao mới, quyết tâm mới và thực tế kỳ tích “cán đích” trước 3 năm đã chứng minh: Vinh quang đã thuộc về những người về trước hẹn!


  • 03/01/2013 04:57
  • Trần Thu Hiền
  • 3853


Gửi nhận xét