Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam

Đây là chủ đề Hội thảo do Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương phối hợp cùng Viện Nghiên cứu chiến lược, thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 12/9, tại Hà Nội.

Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, mục tiêu phát triển thị trường khí Việt Nam gắn liền với Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. 

Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, hiện nay, thị trường khí tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm, nhưng sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ của khu vực và thế giới.

Giai đoạn 2000 - 2010, tốc độ tăng trưởng nhu cầu khí ở mức cao, bình quân 20%/năm. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng nhu cầu khí là 10%, quy mô thị trường gần 10 tỷ m3/năm và duy trì đến nay. Phần lớn các phát hiện khí của Việt Nam được tìm thấy ở thềm lục địa phía Nam và sản lượng khí khai thác chiếm hầu như toàn bộ thị trường.

Về cơ cấu tiêu thụ, giai đoạn 2019 - 2035, dự kiến khoảng 79 - 80% lượng khí trên thị trường dành cho phát điện; còn lại được phân bổ cho sản xuất đạm, hóa chất, các ngành công nghiệp, tiêu thụ dân dụng khác…

Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Gas Việt Nam, Viện Dầu khí Việt Nam, cùng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khí

Ông Đoàn Hồng Hải - đại diện Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam hiện có 7.200 MW điện khí. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 15.000 MW công suất nhiệt điện khí, chiếm khoảng 15,6% tổng công suất các nguồn điện. Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khí sẽ khoảng 19.000 MW, tương ứng cần khoảng 22 tỷ m3 khí cho phát điện.

Việc phát triển nhiệt điện khí được các chuyên gia đánh giá là rất cần thiết, nhằm góp phần cung cấp đủ điện năng cho nhu cầu quốc gia, tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng. Nhiệt điện khí sẽ đảm bảo kịp thời bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện khi năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) hoạt động không ổn định, hoặc không thể phát điện do điều kiện thời tiết.

Nhà máy Nhiệt điện khí Phú Mỹ 4 (Tổng công ty Phát điện 3). Ảnh: ĐVCC

Tuy nhiên, ngay từ sau năm 2020, nguồn khí trong nước sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Việt Nam cần nhập khẩu LNG để bù đắp lượng thiếu hụt cho sản xuất điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tới năm 2030, khoảng gần 50% nhiên liệu khí cho phát điện là từ nguồn LNG nhập khẩu.

Để đảm bảo cấp đủ khí cho phát điện, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, cần vận hành ổn định các nguồn khí trong nước đang khai thác như Nam Côn Sơn, PM3 - Cà Mau, đồng thời đảm bảo triển khai các chuỗi dự án Lô B, Cá Voi Xanh đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, cần xây dựng kho cảng nhập khẩu LNG đồng bộ với các nhà máy điện khí, đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện sử dụng LNG theo quy hoạch và bổ sung cho nguồn khí trong nước đang suy giảm.

Tại Hội thảo, các cơ quan ban ngành, các chuyên gia còn trao đổi về những nội dung như: Giải pháp xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kinh doanh khí; cơ chế hình thành, vận động giá khí tại Việt Nam,…

 

Dự kiến tình hình cung cấp khí dự kiến trong thời gian tới (Đơn vị: m3/năm)

Năm

Sản lượng khai thác

Nhập khẩu, phân phối LNG

2021 - 2025

 13- 19 tỷ

 1- 4 tỷ

2026- 2035

 17 - 21 tỷ

 6 – 10 tỷ


  • 12/09/2019 04:18
  • M.H
  • 12315