Tiết kiệm điện giai đoạn 2016 - 2020: Có gì mới?

Giai đoạn 2016 - 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định sẽ tiếp tục là đơn vị đi đầu, nâng cao hiệu quả các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, chương trình hành động của EVN và các đơn vị có gì thay đổi so với trước?

Chú trọng hiệu quả các dự án, chương trình

Giai đoạn 5 năm (2011 - 2015), cả nước đã tiết kiệm được 11,88 tỷ kWh điện, tương đương 17.808 tỷ đồng. Những con số này cho thấy hiệu quả của các chương trình tiết kiệm điện. Trong đó, EVN được Chính phủ, Bộ Công Thương đánh giá là đơn vị đi đầu trong các hoạt động tiết kiệm điện (TKĐ).

Với mục tiêu tiếp tục tạo đột phá trong khâu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung, sử dụng điện nói riêng và giảm hệ số đàn hồi điện, Hội đồng thành viên EVN vừa ban hành Nghị quyết số 184/NQ-HĐTV ngày 11/7/2016, phê duyệt Đề án tiết kiệm điện giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Tập đoàn tiếp tục tập trung thực hiện một số chương trình TKĐ trọng tâm như: Giờ trái đất, Gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm điện trong trường học... 

Ngoài ra, EVN cũng tiếp tục triển khai Chương trình “Hỗ trợ nông dân trồng thanh long tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, đổi đèn sợi đốt bằng đèn compact”. Theo tính toán, chương trình này góp phần tiết kiệm tối thiểu 57,6 triệu kWh (mỗi năm tiết kiệm được 11,52 triệu kWh) và giảm khí phát thải nhà kính hơn 36.000 tấn CO2, tiết kiệm chi phí tiền điện cho các hộ dân hơn 97 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện đổi 300.000 bóng đèn tròn sợi đốt bằng đèn compact cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. 

Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2020, thay vì đánh giá hiệu quả TKĐ dựa trên sản lượng điện tiết kiệm so với sản lượng điện thương phẩm, việc đánh giá hiệu quả các chương trình TKĐ sẽ được thực hiện bằng phương pháp khảo sát phản hồi của khách hàng về mức độ nhận thức đối với các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện, hành vi sử dụng điện tiết kiệm... Qua đó, tạo động lực thúc đẩy các đơn vị phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa, nâng cao chất lượng của các dự án, chương trình TKĐ.

CBCNV ngành Điện đạp xe tuyên truyền tiết kiệm điện

Tích cực ứng dụng mô hình ESCO

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, cung cấp các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) theo mô hình Công ty Dịch vụ năng lượng (ESCO) sẽ là một điểm nhấn trong các chương trình TKĐ năm 2016. 

Theo đó, EVN sẽ phối hợp với các ESCO và đơn vị tư vấn, cung cấp các giải pháp TKNL cho khách hàng. Ông Trần Viết Nguyên – Phó trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, ESCO là mô hình tiên tiến đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công, nhưng mới có mặt tại Việt Nam từ năm 2012, nên vẫn còn khá mới, chưa được áp dụng rộng rãi. Năm 2014, EVN bắt đầu thí điểm chương trình này tại các tỉnh, thành phố phía Nam, do Tổng công ty Điện lực miền Nam thực hiện, bước đầu đã mang lại hiệu quả TKNL cao cho các doanh nghiệp áp dụng. Điển hình, tại Công ty Thủy sản Cần Thơ (Casemex), hệ thống cung cấp nước nóng năng lượng mặt trời với dung lượng 23.000 lít/ngày, giúp Công ty tiết kiệm 240.000 kWh/năm, tương đương 390 triệu đồng, giảm 136 tấn CO2/năm. 

Sau quá trình thí điểm, giai đoạn 2016 - 2020, EVN sẽ nhân rộng mô hình ESCO trên cả nước, với mục tiêu cung cấp tối thiểu 250 giải pháp tiết kiệm điện hữu ích cho các khách hàng ngoài sinh hoạt, có tiềm năng TKĐ lớn, đặc biệt là khách hàng sản xuất công nghiệp (chiếm tỷ trọng 54% tổng sản lượng điện thương phẩm) và khách hàng kinh doanh – dịch vụ; tiết kiệm tối thiểu 24 triệu kWh điện/năm. Trong đó, Tập đoàn sẽ ưu tiên cung cấp các giải pháp TKNL ở các lĩnh vực có tiềm năng tiết kiệm lớn và thực hiện khả thi như: Hệ thống chiếu sáng (tòa nhà văn phòng, chung cư, xí nghiệp sản xuất), hệ thống điều hòa, sưởi, thông gió, giàn nước nóng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp...

Thông qua việc triển khai mô hình ESCO, EVN tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Bộ Công Thương và Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách giúp thị trường ESCO Việt Nam phát triển. Việc triển khai rộng rãi mô hình này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh có điều kiện tiếp cận và áp dụng các giải pháp TKNL hiện đại, tiêu hao ít năng lượng và thân thiện với môi trường. 

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyên, do mô hình ESCO còn khá mới ở Việt Nam, công tác tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế, nên khách hàng chưa thực sự quan tâm và tin tưởng về những lợi ích mà ESCO mang lại. Cùng với đó, đội ngũ nhân lực thực hiện các dự án ESCO còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng. Đây cũng sẽ là một trong những thách thức của EVN khi triển khai. 

“Thời gian tới, EVN và các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá về TKNL. Đặc biệt, chúng tôi sẽ phối hợp với những khách hàng đang sử dụng ESCO để chia sẻ hiệu quả sau quá trình thực hiện, giúp người dân, doanh nghiệp nắm rõ hơn những lợi ích thiết thực của mô hình này. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương có những hướng dẫn, chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá về ESCO”, ông Nguyên cho hay.

EVN sẽ tăng cường tuyên truyền TKĐ sâu rộng trong đội ngũ CBCNV, xây dựng và phát động chiến dịch “Mỗi người lao động của EVN là một hạt nhân tuyên truyền TKĐ”, công tác tuyên truyền TKĐ được thực hiện sâu rộng, mọi lúc, mọi nơi trong cộng đồng. 

Ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương:

Giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương kỳ vọng EVN sẽ đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp TKĐ nói riêng, TKNL nói chung cả về chiều rộng và chiều sâu. Đặc biệt, EVN cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình cung cấp các giải pháp TKNL theo mô hình ESCO đã được thí điểm thành công. Bộ Công Thương sẽ tạo hành lang pháp lý cần thiết để thị trường TKNL phát triển thuận lợi.

 

Sản lượng điện tiết kiệm trên cả nước giai đoạn 2011 – 2015:

Khu vực

Sản lượng điện tiết kiệm

(tỷ kWh)

Miền Bắc

2,85

Miền Trung

0,99

Miền Nam

4,55

Hà Nội

1,20

TP.HCM

2,28

Tổng

11,88

 

               (Nguồn: Ban Kinh doanh EVN)

 


  • 26/09/2016 03:32
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 10175