Tìm lời giải cho thủy điện vừa và nhỏ

Để đảm bảo cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Hiệp hội Năng lượng đưa ra đề xuất “tái mở cửa thủy điện vừa và nhỏ”.

Nhiều thủy điện nhỏ phát huy tốt được vai trò phát điện, bảo vệ môi trường, cung cấp nước cho hạ du - Ảnh: Huyền Thương

Việc xây dựng thủy điện đã diễn ra ồ ạt những năm 2010-2014 làm nảy sinh một số bất cập, có những dự án tàn phá môi trường, núp bóng dự án thủy điện để phá rừng, xả lũ không đúng quy trình, gây thiệt hại cho người dân. Do đó, Quốc hội đã loại ra khỏi quy hoạch hơn 400 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát 158 dự án...

Nhưng theo quan điểm của ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), đánh giá một cách khách quan trên 300 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được xây dựng, hiệu quả kinh tế của chúng là không thể phủ nhận khi đóng góp công suất khoảng 3.000 MW, đạt khoảng 10 tỉ kWh mỗi năm.

Đến nay, nhiều dự án đã hoạt động ổn định, trồng lại rừng, không ảnh hưởng đến tái định cư và đời sống nhân dân vùng thượng lưu và hạ du, xả lũ đã theo đúng với quy trình.

Do đó, VEA đề xuất nên xem xét lại các dự án còn có khả năng đầu tư tiếp (dự án có hiệu quả kinh tế, có công suất điện trên 30 MW) để cung cấp điện cho các địa phương vùng sâu, vùng xa.

“Theo tính toán của chúng tôi, nếu cho khai thác thêm 300-400 dự án thủy điện vừa và nhỏ nữa thì tổng công suất điện của nguồn thủy điện này sẽ đạt khoảng 3.000-4.000 MW bổ sung vào hệ thống điện quốc gia, hằng năm cung cấp khoảng 20 tỉ kWh, góp thêm phần điện năng thiếu hụt” - ông Ngãi lý giải.

Cùng quan điểm, ông Phan Duy Phú - Phó Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Tổng cục Năng lượng) cho biết, tiềm năng thủy điện của nước ta khá lớn với tổng công suất lắp máy khoảng 35.000 MW và lượng điện bình quân năm khoảng 300 tỉ kWh. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, kỹ thuật và môi trường thì chỉ có thể khai thác khoảng 26.000 MW, đạt khoảng 100 tỉ kWh.

Đến nay, trong quy hoạch có tổng cộng 824 thủy điện, đạt tới 95,3% về công suất so với tiềm năng kinh tế. Trong đó đã vận hành khai thác 343 dự án với tổng công suất 17.987 MW; đang thi công xây dựng 165 dự án với tổng công suất 3.348 MW; đang nghiên cứu xây dựng 260 dự án với tổng công suất 3.050 MW; còn lại 56 dự án chưa có chủ trương đầu tư. Hiện các nhà máy thủy điện nhỏ đã vận hành, vẫn đang đóng góp khoảng 6,6% công suất lắp máy và 5,4% điện lượng cho hệ thống điện quốc gia.

Cùng với đó, các chi phí vận hành và bảo dưỡng hằng năm hiện ở mức thấp so với vốn đầu tư và thấp hơn nhiều các nhà máy điện khác; là nguồn cung ứng linh hoạt, bởi khả năng điều chỉnh công suất.

Với những lập luận trên, ông Ngãi tái khẳng định, việc xem xét tiếp tục tận dụng nguồn thủy điện vừa và nhỏ là cần thiết và hợp lý để đảm bảo điện năng. Nói về việc hạn chế những tác động xấu của đầu tư thủy điện nhỏ và vừa, ông Ngãi đưa ra 5 nguyên tắc: An toàn tuyệt đối (hồ, đập, tính mạng của nhân dân); di dân tái định cư đồng bộ; không tác động xấu đến môi trường; hiệu quả phát điện, hiệu quả tổng hợp (môi trường, chống lũ, cung cấp nước); thực hiện đúng quy định của pháp luật (quy hoạch, xét duyệt dự án, thi công giám sát, vận hành).

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành Điện sẽ ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp (chống lũ, cấp nước, sản xuất điện); nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với phát triển của hệ thống điện quốc gia, nhằm nâng cao hiệu quả vận hành của hệ thống điện. Đưa tổng công suất các nguồn thủy điện (bao gồm cả thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện tích năng) lên khoảng 21.600 MW vào năm 2020; khoảng 24.600 MW vào năm 2025 và khoảng 27.800 MW vào năm 2030.


  • 11/08/2017 05:12
  • Theo Petrotimes.vn
  • 13801