Xác định rõ nhu cầu điện của từng địa phương
Trong 50 năm qua, hạn hán thường xuyên xảy ra tại hầu hết các vùng miền của Việt Nam, với nhiều mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán, xâm nhập mặn thường xảy ra vào vụ Đông Xuân và Hè Thu (từ tháng 1 đến tháng 6), có những năm xâm nhập mặn cao, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, hàng nghìn ha lúa và cây trồng buộc phải dừng sản xuất hoặc chuyển đổi phương thức sản xuất. Trong 3 tháng đầu năm 2016, tình hình hạn hán tại các tỉnh Nam Trung Bộ và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Xác định rõ những khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, ngay từ đầu năm 2016, EVNSPC đã yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xác định các khu vực có nhu cầu cấp bách về điện phục vụ cho việc tưới tiêu, chống hạn, cung cấp nước ngọt trên địa bàn. Trên cơ sở đó, lập phương án và giám sát việc cung cấp điện, triển khai đồng bộ với kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn tại địa phương. Đồng thời, các đơn vị còn chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó trong điều kiện phụ tải tăng đột biến, quyết tâm không để gián đoạn cung cấp điện.
Khu vực hạn hán, xâm nhập mặn được ưu tiên cấp điện để phục vụ tưới tiêu
|
Huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) là một trong những địa bàn có diện tích trồng cây cà phê lớn, nhu cầu bơm tưới cao. Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Điện lực Di Linh cho biết: “Để đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ bơm nước tưới cho cây cà phê, bên cạnh việc nâng công suất một số trạm biến áp trên địa bàn, Điện lực Di Linh còn thường xuyên kiểm tra, đảm bảo vận hành an toàn đường dây, tránh quá tải thiết bị.
Đồng thời, Điện lực còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền về sử dụng điện sao cho tiết kiệm và hiệu quả”. Vừa qua, EVNSPC cũng đã phê duyệt đề án cấp điện cho tưới tiêu tại các khu vực tỉnh Lâm Đồng, chia làm 4 giai đoạn với tổng giá trị đầu tư gần 240 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2018. Giai đoạn 1 được thực hiện trong năm 2016, giá trị đầu tư khoảng 35 tỷ đồng, tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp điện phục vụ nhu cầu tưới tiêu.
Hiện nay, Công ty Điện lực Đồng Tháp cung cấp điện cho 1.270 trạm bơm nông nghiệp, với tổng dung lượng trên 125 MVA. Sản lượng điện các trạm bơm 3 tháng đầu năm 2016 là 24,5 triệu kWh, tăng 7,87% so với cùng kỳ năm 2015. Trong bối cảnh xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, các đơn vị thuộc PC Đồng Tháp cũng đã lập phương án cấp điện cho từng khu vực tưới tiêu nông nghiệp; tăng cường lực lượng trực sửa chữa, sẵn sàng xử lý nhanh những hiện tượng bất thường có thể xảy ra, nhanh chóng cấp điện trở lại.
Ông Nguyễn Văn Hợp – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNSPC khẳng định: “Trong 3 tháng đầu năm 2016, EVNSPC đã đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục cho khách hàng trên địa bàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cấp điện cho các khu vực bị hạn hán, xâm nhập mặn. Sản lượng điện thương phẩm đạt hơn 13 tỷ kWh, tăng 9,05% so với cùng kỳ năm 2015”.
EVNSPC đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân trên địa bàn
|
Còn nhiều việc phải làm
Dự kiến trong quý II/2016, công suất cao nhất của Tổng công ty sẽ đạt 8.461 MW (tăng 10%) và sản lượng lớn nhất trong ngày là 175 triệu kWh (tăng 11%) so với cùng kỳ năm 2015. Tình hình xâm nhập mặn cũng chưa có dấu hiệu cải thiện và có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6/2016.
Vì vậy, EVNSPC đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện phương án cấp điện đã được phê duyệt, đáp ứng yêu cầu cho từng địa phương, theo dõi sát phụ tải, chủ động điều chỉnh phù hợp; thường xuyên kiểm tra hành lang an toàn lưới điện, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, ảnh hưởng đến lưới điện.
Đồng thời, các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác phòng chống thiên tai: Nắm rõ tình hình hoạt động của các trạm bơm nước, kế hoạch vận hành các trạm bơm trong đợt xuống giống vụ hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long khi có nước về từ đầu nguồn sông Mê Kông; thực hiện báo cáo hàng ngày về tình hình cấp điện khu vực hạn hán, xâm nhập mặn. Việc ưu tiên sử dụng vốn đầu tư đã được phân bổ để thực hiện các công trình cung cấp điện với mục đích giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, xâm nhập mặn cũng là một trong những công việc quan trọng trong thời gian tới của các đơn vị thành viên thuộc EVNSPC.
Ông Đoàn Văn Bông - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết: “Chia sẻ khó khăn với ngành Điện, UBND huyện Di Linh cũng đã hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho việc chống quá tải lưới điện, đảm bảo cung cấp điện phục vụ bơm tưới và sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện Di Linh”.
Mặc dù đạt được một số kết quả trong cung ứng điện các tháng đầu năm 2016, nhưng trước những diễn biến phức tạp, khó lường của hạn hán, xâm ngập mặn như hiện nay thì EVNSPC và các đơn vị còn nhiều việc phải làm. Mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam.