Tổng công ty Điện lực miền Nam: Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tạo lợi thế cạnh tranh

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) xác định, mỗi CBCNV phải được đào tạo trung bình 40 giờ/năm, trong đó, tập trung vào các chương trình, khoá đào tạo phục vụ cho các nhiệm vụ trọng tâm của từng năm.

Hướng đi đúng

Khoa học, công nghệ ngày nay tuy đã phát triển rất mạnh, nhưng không thể thay thế con người trong quản trị doanh nghiệp, cũng như quản lý vận hành hệ thống lưới điện. Bởi nhân lực là một trong các nguồn lực quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tại EVNSPC, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực qua các thời kỳ đã được xác định đúng hướng và quan tâm đúng mức, tạo nền tảng quan trọng cho Tổng công ty gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ. 

Cụ thể, sau 5 năm (2011 - 2015) thực hiện Chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đã có 33.913 lượt người lao động được đào tạo dài hạn, ngắn hạn, bồi dưỡng kiến thức nâng bậc trong tổng số 21.438 người lao động trong toàn Tổng công ty. Đối với chương trình đào tạo chuyên sâu, đã có 111 người được cử tuyển tham gia đào tạo sau đại học, trong đó có 24 thạc sĩ chuyên ngành quản trị năng lượng và 40 thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế đã tốt nghiệp, 35 thạc sỹ chuyên ngành kỹ thuật điện sắp tốt nghiệp. 

Việc học tập nâng cao trình độ, tay nghề đã trở thành phong trào được nhiều CBCNV và người lao động EVNSPC tham gia như: Chương trình đào tạo cao đẳng, trung cấp, liên thông trung cấp - kỹ sư điện; chương trình đạo tạo chuyên ngành, kỹ năng giao tiếp với khách hàng, cử nhân kinh tế, quản trị doanh nghiệp, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao, cấp trung… Ngoài việc được bồi dưỡng tại chỗ, trong nước, nhiều kỹ sư còn được đưa đi đào tạo ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu tiếp cận trình độ quản lý tiên tiến, công nghệ mới. 

Theo Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam - Nguyễn Văn Hợp: “Việc nâng cao trình độ chuyên môn cho nguồn nhân lực là khâu quan trọng trong kế hoạch phát triển của Tổng công ty, được thực hiện thường xuyên từ nhiều năm qua. EVNSPC xác định, đổi mới thiết bị, công nghệ, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu hiện nay”.

Các tân kỹ sư điện trong ngày vui tốt nghiệp khóa đào tạo kỹ sư điện do EVNSPC tổ chức

Tập trung phát triển nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao

Lực lượng lao động của EVNSPC đang ở giai đoạn “cơ cấu nhân lực vàng” với độ tuổi còn khá trẻ, chủ yếu dưới 40 (chiếm 68%). Đây là độ tuổi có sức lao động tốt, có khả năng đóng góp cao vào quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động, EVNSPC xác định sẽ phát huy tối đa nguồn “nhân lực vàng” này,  không tuyển dụng thêm lao động mà tập trung vào việc tăng năng suất lao động. Bởi nếu không tận dụng thời điểm cơ cấu “nhân lực vàng” này, trong khoảng 10 năm tiếp theo, EVNSPC sẽ phải đối mặt với nguy cơ nguồn nhân lực già. Khi đó, phần lớn đội ngũ công nhân kỹ thuật sẽ không còn đủ sức khỏe để làm các công việc nặng nhọc như quản lý vận hành và sửa chữa lưới điện, đặc biệt là khó tiếp thu kiến thức mới… Nhận thức rõ vấn đề đó, EVNSPC đang khẩn trương thực hiện nâng cao năng lực cho CBCNV.

Ông Lê Minh Ba - Chủ tịch Công đoàn EVNSPC cho biết, chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho người lao động trong Tổng công ty đã đạt một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, mảng đào tạo, học tập nắm bắt khoa học công nghệ, phương thức quản trị hiện đại còn khiêm tốn, chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo ông Ba, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ chủ chốt, chuyên viên trong mọi lĩnh vực còn yếu, mặc dù Tổng công ty đã tổ chức các khoá đào tạo ngoại ngữ, nhưng hiệu quả còn hạn chế.

Nguyên nhân chính do nguồn nhân lực phải vừa học vừa làm nên thiếu thời gian và sự tập trung. CBCNV làm công tác đào tạo phải kiêm nhiệm một số công việc khác nên các chương trình nói trên chưa triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc đưa cán bộ đi đào tạo, học tập nước ngoài nhằm bổ sung kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, nắm bắt trình độ KHCN, phương thức quản trị điều hành doanh nghiệp… nhìn chung còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, EVNSPC đã xây dựng kế hoạch Đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong 5 năm tới. Theo đó, từ nay đến năm 2020, EVNSPC sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân thành một tập thể lao động chuyên nghiệp, năng động, có đủ năng lực chuyên môn và đảm bảo 100% người lao động được học tập nâng cao trình độ. Để hoàn thành kế hoạch này, Tổng công ty xác định mỗi cán bộ, nhân viên, công nhân được đào tạo trung bình 40 giờ/năm, trong đó tập trung vào các chương trình, khoá đào tạo phuc vụ cho các nhiệm vụ trọng tâm của từng năm. 

Đồng thời, để phục vụ cho yêu cầu hội nhập quốc tế, Tổng công ty cũng mong muốn Tập đoàn Điện lực Việt Nam tạo điều kiện hoàn thiện các quy chế, quy định nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài như: Cơ chế cấp học bổng cho sinh viên khá, giỏi ở các trường đại học để tuyển dụng sau khi tốt nghiệp, trong đó ưu tiên cho con CBCNV trong ngành; Cơ chế về đào tạo chuyên gia và cán bộ đầu đàn trong từng lĩnh vực bằng cách gửi cán bộ đi học tập dài ngày tại các công ty điện lực tiên tiến trong khu vực. Bên cạnh đó là việc chủ trương xây dựng các chương trình đào tạo tiếng Anh tại nước ngoài (như Úc, Singapore, Newzeland…) từ 06 tháng trở lên nhằm mang lại hiệu quả, khắc phục tình trạng không có cán bộ đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ khi có chương trình hội thảo, học tập chuyên đề tại nước ngoài. 

* Nguồn nhân lực của EVNSPC hiện nay:

-  Tổng số CBCNV: 21.438 người
-  Số lượng lao động trực tiếp: 12.621 người (chiếm 59%)
-  Số lượt người được đào tạo/Tổng số lao động trong toàn EVNSPC bình quân hàng năm: 33.913/20.500
* Cơ cấu lao động theo trình độ đến cuối năm 2015:
+ Tiến sỹ: 01 người
+ Thạc sỹ: 246 người
+ Đại học: 5.616 người
+ Cao đẳng: 347 người
+ Trung cấp: 4.905 người
+ Công nhân: 10.149 người
+ Khác: 702 người


  • 01/08/2016 09:11
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 8964