Ông Nguyễn Khắc Sơn
|
Phóng viên (PV): Để đạt mục tiêu “nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp” EVNGENCO 1 sẽ có những khó khăn và thuận lợi gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Khắc Sơn: 3 tổng công ty phát điện đều được thành lập trên cơ sở sát nhập và nâng cấp các đơn vị sản xuất điện trên cả nước. Tuy nhiên, nếu so sánh về mức độ quản trị doanh nghiệp thì EVNGENCO 1 có xuất phát điểm thấp nhất. Bởi các nhà máy nhiệt điện phía Nam như Nhiệt điện Phú Mỹ (thuộc EVNGENCO 3), Nhiệt điện Cần Thơ (thuộc EVNGENCO 2) đều được đánh giá cao về công tác quản trị so với Nhiệt điện Uông Bí (thuộc EVNGENCO 1). Năm 2016, để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, sẽ là những thách thức rất lớn, nhưng cũng là thời cơ để Tổng công ty Phát điện 1 vươn lên, phát triển ổn định và bền vững.
PV: Vậy, đâu là giải pháp để EVNGENCO 1 hiện thực hóa mục tiêu này, thưa ông?
Ông Nguyễn Khắc Sơn: Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vì vậy, EVNGENCO 1 bắt đầu ngay từ việc đảm bảo các tổ máy luôn ở trạng thái sẵn sàng tham gia phát điện khi có yêu cầu của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
Đối với các nhà máy sử dụng nhiên liệu than trong nước, sẽ thực hiện ký hợp đồng trực tiếp với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc, đảm bảo cung cấp than dài hạn. Đối với các nhà máy sử dụng than nhập khẩu, sẽ tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng dài hạn cung cấp và vận chuyển than. Bố trí đủ vốn cho nhu cầu đầu tư năm 2016 và giai đoạn 2016 – 2020, đặc biệt là nhu cầu vốn cho các hạng mục đang triển khai tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Ngoài ra, EVNGENCO 1 còn tập trung xây dựng và ban hành cơ chế quản trị DN trong Tổng công ty theo từng lĩnh vực. Cụ thể, EVNGENCO 1 xây dựng và ban hành các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, xây dựng đội ngũ chuyên gia về công tác vận hành, quản lý kỹ thuật và quản lý bảo dưỡng. Về quản trị tài chính, xây dựng và ban hành các định mức chi phí; tách bạch chi phí vận hành với chi phí bảo dưỡng sửa chữa; tăng doanh thu khi tham gia thị trường điện và giảm chi phí trong vận hành, sửa chữa lớn, mua sắm vật tư thiết bị, dịch vụ mua ngoài (thông qua đấu thầu rộng rãi). Bên cạnh đó, EVNGENCO 1 cũng sẽ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực quản trị nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý theo hướng hợp lý, tinh gọn và hiệu quả, có quy chế thu hút lao động chất lượng cao.
PV: Hiện nay, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đã tạm ngừng hoạt động. Để nâng cao năng lực quản trị nhân sự và năng suất lao động, EVNGENCO 1 đã giải quyết vấn đề lao động dôi dư như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Khắc Sơn: Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí có công suất 110 MW, số lượng lao động khoảng 400 người,vận hành từ năm 1960, nên hiện nay thiết bị và công nghệ đã rất lạc hậu, hiệu suất thấp, không đáp ứng được yêu cầu, nhất là không đảm bảo được các tiêu chuẩn về môi trường. Vì vậy, EVNGENCO 1 bắt buộc phải ngừng hoạt động nhà máy và giải quyết việc làm cho khoảng 400 người.
Trước mắt, EVNGENCO 1 đã tiến hành xây dựng phương án, rà soát và tổ chức lại các phân xưởng sản xuất thành phân xưởng sửa chữa, khai thác nguồn sửa chữa lớn từ các đơn vị trong và ngoài Tổng công ty. Đồng thời, EVNGENCO 1 còn thực hiện chính sách luân chuyển lao động, đưa các chuyên gia vận hành và sửa chữa từ Nhiệt điện Uông Bí vào làm việc tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải. Đối với người lao động chuẩn bị nghỉ hưu, Tổng công ty chủ động đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện để họ có thể nghỉ hưu trước thời hạn. Ngoài ra, EVNGENCO 1 cũng đang tích cực tìm kiếm đầu tư các dự án nhiệt điện mới, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn điện mới của EVN. Đây là hướng giải quyết lao động hiệu quả và bền vững, góp phần thực hiện đề ấn “Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động” của Tổng công ty Phát điện 1 giai đoạn 2016 – 2020.
PV: Ông có thể cho biết rõ hơn, EVNGENCO 1 sẽ làm gì để đạt được mục tiêu cổ phần hóa trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Khắc Sơn: Để thực hiện mục tiêu CPH, EVNGENCO 1 đã xây dựng kế hoạch và Đề án chi tiết trình Tập đoàn và Bộ Công Thương. Trước mắt trong năm 2016, Tổng công ty sẽ chuyển Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí thành công ty hạch toán phụ thuộc Tổng công ty. Năm 2017, Tổng công ty sẽ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu trên một cách hiệu quả,đòi hỏi phải có quá trình,giải quyết thận trọng, dứt điểm từng phần việc và không thể nóng vội. Do vậy, chúng tôi đánh giá đây là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng bắt buộc EVNGENCO 1 bằng mọi cách phải thực hiện được mục tiêu này.
PV: Xin cảm ơn ông!
Một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 và giai đoạn 2016 – 2020 của EVNGENCO 1:
- Sản lượng điện sản xuất: 26,710 tỷ kWh; đến năm 2020 đạt 40 tỷ kWh;
- Trong quý 1/2016, đưa các tổ máy thuộc Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 vào vận hành thương mại và đảm bảo tiến độ dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3;
- Năm 2017, cổ phần hóa EVNGENCO 1 hoạt động theo mô hình công ty cổ phần;
- Đưa các nhà máy điện thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải sớm vào vận hành thương mại.
|