Trì hoãn tiêm vắc-xin COVID-19: Mối nguy hiện hữu 

Khi Hoa Kỳ bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin COVID-19, nhiều người ủng hộ và hào hứng, nhưng một số người vẫn còn do dự và muốn đợi để xem liệu có bất kỳ vấn đề sức khỏe lâu dài nào ở những người đã tiêm hay không.

Ảnh minh họa.

Theo kết quả thăm dò ý kiến gần đây nhất do Kaiser Family Foundation thực hiện, có 17% người dân trì hoãn việc tiêm vắc-xin COVID -19. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và những hệ lụy nào có thể xảy ra khi trì hoãn tiêm?

GS.TS. Wändi Bruine de Bruin, Đại học Nam California nhận định, những người trì hoãn tiêm có thể không tin tưởng vào độ an toàn của vắc-xin. Một số người coi vắc-xin giống như một canh bạc (coi rủi ro ngang bằng hoặc lớn hơn so với lợi ích), khiến họ tin rằng vẫn cần nhiều dữ liệu hơn và chọn chờ đợi.

Tuy nhiên, những ý kiến này đều trái với những gì các chuyên gia trên khắp thế giới đã nói: Vắc-xin COVID-19 an toàn, hiệu quả, được thực hiện bằng các phương pháp và biện pháp phòng ngừa tương tự đối với các loại vắc-xin khác. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã cấp phép từ quá trình phát triển đến thử nghiệm lâm sàng và giấy phép sử dụng khẩn cấp...

Không nên trì hoãn tiêm vắc-xin COVID-19.

Có nên trì hoãn tiêm vắc-xin COVID-19?

Câu trả lời ngắn gọn là không. Một khi đủ điều kiện, nên tiêm phòng càng sớm càng tốt. GS.TS. Deborah Fuller, Khoa Vi sinh tại Đại học Washington, cho biết: Tiêm phòng là để kiểm soát đại dịch ở quy mô dân số thông qua việc đạt được khả năng miễn dịch theo cộng đồng. Điều này đòi hỏi nỗ lực của cộng đồng, tất cả mọi người cùng tiêm vắc-xin, khiến virus hết vật chủ để lây nhiễm. Khi virus vẫn còn nhiều vật chủ để nhân lên, nó có nhiều cơ hội hơn để phát triển ngẫu nhiên các biến thể mới và một số biến thể này có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin hiện tại.

Ngoài ra, nếu một số nhóm người không thể tiêm chủng vì tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, việc trì hoãn tiêm chủng 1 năm sau khi được coi là đủ điều kiện thì những người này sẽ tiếp tục có nguy cơ nhiễm COVID-19.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, thời gian lâu nhất cần để quan sát các tác dụng phụ do vắc-xin là khoảng 8 tuần. Các chuyên gia cho hay, các tác dụng phụ đều liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể với vắc- xin. Vắc-xin gây ra tác dụng phụ lâu dài thường xảy ra trong vòng 6-8 tuần sau khi tiêm chủng. Vì vậy, không cần phải đợi nhiều năm để xem liệu vắc-xin có bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe hay không.

Làm gì để mọi người không trì hoãn tiêm?

Các chuyên gia cho biết, việc tuyên truyền về lợi ích xã hội khi tiêm vắc-xin sẽ khiến mọi người không trì hoãn tiêm. Trong một nghiên cứu từ tháng 6-12/2020, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu khảo sát trên 34.200 người Mỹ về việc họ sẵn sàng sử dụng vắc-xin COVID-19 hay không. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi mô tả những lợi ích xã hội của vắc-xin (như cách nó có thể tạo ra miễn dịch của cộng đồng), mọi người sẵn sàng tiêm vắc-xin.

Ngoài ra, việc chia sẻ về trải nghiệm quá trình sau tiêm vắc- xin của mình cũng có thể thuyết phục mọi người không trì hoãn việc tiêm vắc-xin. Nhìn thấy những việc người khác làm sẽ khiến mọi người tin tưởng và quyết định lựa chọn đi tiêm sớm hơn.

Vắc-xin được sản xuất rất an toàn

Nhiều người lo ngại về tính an toàn của vắc-xin vì được sản xuất trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu vắc-xin COVID-19 đã trải qua các quy trình nghiêm ngặt giống như các loại vắc-xin khác.

Vắc-xin RNA và vắc-xin dựa trên Adenovirus (công nghệ vắc-xin được sử dụng trong vắc-xin hiện tại chống lại COVID-19), đã được thử nghiệm ở người giai đoạn 2 đối với các bệnh truyền nhiễm khác như cúm và MERS. Chúng đã trải qua ít nhất 4 năm phát triển, vì vậy các nhà khoa học đã có dữ liệu an toàn, dữ liệu về tính sinh miễn dịch và quá trình sản xuất đã thành công. Năm 2020, khi cần sản xuất vắc-xin để ứng phó với đại dịch, tất cả những gì các nhà khoa học phải làm là điều chỉnh những vắc-xin này để nhắm mục tiêu COVID-19. Các quy trình này đều rất an toàn.

Link gốc.


  • 20/08/2021 01:29
  • Nguồn: https://ncov.moh.gov.vn/
  • 19511