Theo đó, dự án đấu nối Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có qui mô xây dựng mới đoạn đường dây 500 kV 2 mạch dài 1,29 km đã đóng điện mạch 1 trong tháng 6/2016 phục vụ cho nhà máy điện này chạy thử nghiệm và mạch 2 sẽ đóng điện trong tháng 12 này để nhà máy chạy thử nghiệm tổ máy 2.
Đường dây 500 kV Sông Mây – Tân Uyên được xây dựng nhằm tiếp nhận điện năng 500 kV từ TBA 500 kV Sông Mây và cung cấp điện cho TBA 500 kV Tân Uyên để tăng cường cung cấp điện cho phụ tải khu vực tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Dự án có chiều dài 23,3 km, đi qua địa phận các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, bao gồm 71 vị trí móng cột. Dự án khởi công tháng 12/2015 và dự kiến hoàn thành đóng điện trong tháng 6/2017. Đến nay dự án đã hoàn thành thi công đúc móng được 11/71 vị trí.
Ảnh minh họa |
Đối với TBA 500 kV Tân Uyên được xây dựng nhằm tăng cường cung cấp điện cho phụ tải tỉnh Bình Dương (khu vực Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên), Tp. Hồ Chí Minh (khu vực Thủ Đức, Quận 9) và Đồng Nai (khu vực Tân Vạn....). Dự án có quy mô lắp đặt 3 máy biến áp 900 MVA, 3 máy biến áp 300 MVA, 3 máy biến áp 220/110/22kV công suất 250 MVA và xây dựng 4 mạch đường dây 220kV đấu nối với tổng chiều dài 12,79 km.
Dự án này dự kiến hoàn thành trong năm 2017 không chỉ tiêu thụ công suất phát ra từ Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân thông qua thanh cái Trạm 500 kV Sông Mây mà còn nâng cao độ tin cậy của hệ thống điện và giảm tải các đường dây, máy biến áp truyền tải trong khu vực.
Với đường dây 500 kV Vĩnh Tân – rẽ Sông Mây – Tân Uyên được xây dựng nhằm giải phóng công suất Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân vào hệ thống điện Quốc gia. Trước mắt dự án sẽ truyền tải công suất Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 thuộc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân vào hệ thống điện Quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải phía Nam, tạo liên kết các nguồn điện lớn khác trong tương lai của khu vực Nam Trung bộ với hệ thống điện Quốc gia và nâng cao tính ổn định, tin cậy cho hệ thống điện. Dự án này có tổng chiều dài tuyến khoảng 243 km đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai với t ổng diện tích thu hồi 125.250 m2, diện tích ảnh hưởng hành lang an toàn lưới điện khoảng 765 ha. Dự án được khởi công tháng 12/2015 và theo kế hoạch phải hoàn thành đóng điện trong tháng 12/2017.
Theo đánh giá của SPMB, các dự án đồng bộ với Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đi qua khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam là Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Thuận. Trong đó, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bình Thuận cho phép vận động thi công trước khi có phương án bồi thường được duyệt; đồng thời chỉ đạo thường xuyên các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nên tạo thuận lợi cho các dự án được triển khai đúng kế hoạch.