Hơn 3,3 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi Rammasun, hàng chục thành phố ven biển phía Nam tỉnh Quảng Đông và Hải Nam, Quảng Tây và khu tự trị bị tàn phá.
Tại đảo Hải Nam - nơi bão Rammasun đổ bộ đầu tiên đã làm cho ít nhất 8 người chết, phá hủy khoảng 51.000 ngôi nhà và 40.600 ha cây trồng, gây thiệt hại kinh tế trên 4,7 tỷ nhân dân tệ (752 triệu USD). Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Tây, bão Rammasun đã làm cho 9 người chết.
Tại thị trấn Wengtian, hơn 90% tòa nhà dân cư bị sụp đổ. Hơn 1.000 người bị mắc kẹt trong trang trại Luodou, nơi nước biển dâng cao chưa từng có. "Tôi mở nhà hàng chỉ cách đây một tháng với hơn 300.000 nhân dân tệ nhưng cơn bão đã cuốn đi mọi thứ", Han Xiongfeng, một cư dân sinh sống tại thị trấn Wengtian nói.
|
Đèn đường bị đổ, chắn ngang đường sau khi bão Rammasun càn quét tại Beihai, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc - Ảnh: ChinaDaily |
Bão Rammasun cũng làm hư hỏng nặng hệ thống điện, nước, mạng viễn thông, cảng và đường sá, khiến cho công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Việc cung cấp điện cho khoảng 80% thành phố đã bị gián đoạn và việc cung cấp nước ở hầu hết các khu vực ven biển phía đông Trung Quốc đã bị cắt giảm kể từ khi cơn bão đổ bộ vào.
Tại Beihai, một thành phố khác của tỉnh Quảng Tây, cây và cột điện đổ đã làm giao thông bị gián đoạn trên nhiều con đường chính và nhiều tòa nhà bị hư hỏng, trong đó một số mái nhà bị thổi bay. Hệ thống điện trong thành phố cũng bị tê liệt.
Rammasun cũng khiến cho sân bay Nam Ninh phải đóng cửa và khiến cho khoảng 1.300 hành khách bị mắc kẹt. Dịch vụ tàu cao tốc giữa Nam Ninh và các thành phố ven biển cũng đã bị đình chỉ.
Ở tỉnh Quảng Đông, hơn 14.800 người đã được di dời và có thiệt hại ước tính khoảng 247 triệu nhân dân tệ.
Ngay sau đó, Chính quyền tỉnh Hải Nam đã ban hành lệnh ứng phó thiên tai khẩn cấp, đồng thời cử 6 đội cứu trợ, đứng đầu là quan chức cấp cao của tỉnh đến các khu vực bị ảnh hưởng hỗ trợ người dân. Công việc chủ yếu của đội cứu trợ là giải tỏa các chướng ngại đang cản trở các con đường, vận chuyển nhu yếu phẩm đến một số làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Một lượng lớn các kỹ thuật viên được huy động để sửa chữa điện và viễn thông tại các cơ sở bị hư hỏng. 75% hệ thống điện tại Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh Hải Nam đã được khôi phục. Các chuyến bay cũng bắt đầu được nối lại ở sân bay Tam Á và Hải Khẩu.
Hiện công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả sau siêu bão Rammasun vẫn đang được Chính quyền khu vực phía Nam của Trung Quốc tiếp tục thực hiện.