Tại một số trường như: Đại học (ĐH) Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Đà Lạt… ngành Điện hạt nhân là một trong những ngành có điểm trúng tuyển cao nhất. Năm 2014, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành này ở các cơ sở đào tạo trên toàn quốc khoảng 300 sinh viên.
Mùa tuyển sinh đại học 2014, ngành Điện hạt nhân, Kỹ thuật hạt nhân xuất hiện nhiều thí sinh điểm cao vọt.
Tại ĐH KHTN – ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ngành Kỹ thuật hạt nhân có mức điểm trúng tuyển là 23,0 điểm. Đây là ngành có điểm chuẩn cao nhất trong toàn trường. Đặc biệt, thủ khoa của trường - em Nguyễn Văn Huỳnh, đạt 28,5 điểm (“top” 100 thủ khoa toàn quốc) là thí sinh đăng ký dự tuyển ngành Kỹ thuật hạt nhân.
Năm 2012, điểm chuẩn vào ngành Kỹ thuật hạt nhân tại trường ĐH Đà Lạt chỉ 16,5 thì năm nay, thí sinh dự thi phải đạt 22,0 điểm trở lên mới có thể trúng tuyển vào ngành. Đáng chú ý là điểm chuẩn của ngành Kỹ thuật hạt nhân cao cách biệt tới 8,0 điểm so với một số ngành khác trong cùng trường.
Năm 2014, nhiều thí sinh đạt điểm cao khi dự tuyển ngành Điện hạt nhân, Kỹ thuật hạt nhân. Ảnh: Vũ Lam
|
Tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, nếu những năm trước, ngành Vật lý kỹ thuật - Kỹ thuật hạt nhân thường là lựa chọn cuối cùng khi các thí sinh trượt những ngành “hot” thì hiện số sinh viên đăng ký ngành này đã tăng cao. Năm 2014, dù không thuộc nhóm ngành có điểm trúng tuyển cao nhất trong trường, nhưng với điểm chuẩn 20,0 điểm, đây vẫn là mức điểm cao hơn nhiều ngành kỹ thuật khác.
Nằm trong “top” 3 ngành có mức điểm chuẩn cao nhất của trường, ngành Điện hạt nhân tại ĐH Điện lực có mức điểm trúng tuyển là 19,0. Thí sinh dự thi vào ngành trong năm nay được đánh giá là có chất lượng tốt, đồng đều.
So với điểm sàn mà Bộ giáo dục – Đào tạo công bố (Mức 1: 13 điểm đối với khối A, A1), ngành đào tạo hạt nhân ở các trường ĐH đều có điểm trúng tuyển cao vượt trội. Điều này cho thấy, dự thi vào ngành này là những thí sinh có lực học tốt, có sự chuẩn bị kỹ càng để tham gia dự tuyển.
TS. Đỗ Thị Nguyệt Minh, Trưởng Bộ môn Điện hạt nhân ĐH Điện lực cho biết, một trong những nguyên nhân khiến ngành Điện hạt nhân “hút” thí sinh là do khi theo học ngành này, sinh viên sẽ được nhận nhiều ưu đãi, học bổng giá trị, đồng thời, các em cũng được định hướng đầu ra khá rõ ràng. Tại ĐH Điện lực, sinh viên ngành Điện hạt nhân được miễn phí ở ký túc xá, 30/50 sinh viên có kết quả học tập tốt trong mỗi khóa sẽ được nhận học bổng trị giá 1 triệu đồng/tháng. Đồng thời, các em có nhiều cơ hội để du học, hay tham gia các chương trình giao lưu đào tạo tại Nga, Nhật Bản… Mới đây, 8 sinh viên năm cuối đã được chọn để đến tham quan các nhà máy điện hạt nhân và giao lưu với sinh viên cùng ngành tại Nhật Bản.
Cũng theo TS. Đỗ Thị Nguyệt Minh, chất lượng đầu vào tốt sẽ là cơ sở thuận lợi để đào tạo ngành Điện hạt nhân. Đây là một chuyên ngành khó, nếu không đủ năng lực thì các em sẽ không thể theo học. Do vậy, chất lượng thí sinh đầu vào tốt là một tín hiệu đáng mừng cho công tác đào tạo nhân lực ngành hạt nhân.
Việt Nam hiện có 5 trường đại học và 1 viện đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân là:
- Đại học Điện lực.
- Đại học Khoa học Tự nhiên (KHTN) -
- Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Đại học Khoa học Tự nhiên -
- Đại họcQuốc gia TP HCM.
- Đại học Bách khoa Hà Nội.
- Đại học Đà Lạt.
- Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam. |