Uganda khởi công ba dự án thủy điện trên sông Nile

Uganda đang tiến hành xây dựng ba nhà máy thủy điện trên sông Nile với tổng công suất 1.632MW, đồng thời nghiên cứu các sáng kiến hạt nhân nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng.

Tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh khiến nhu cầu tiêu thụ điện của Uganda tăng đột biến, ước tính 10% mỗi năm. Hiện tại, gần 85% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống của Uganda đến từ thủy điện, còn lại là nhiệt điện và điện mặt trời. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, chính phủ Uganda đã chọn ba điểm chiến lược trên sông Nile để phát triển các nhà máy thủy điện mới.

Các nhà máy khởi công bao gồm Ayago (840MW), Kiba (400MW) và Oriang (392MW). Khi hoàn thành, tổng công suất điện của Uganda sẽ đạt khoảng 3.678MW, tăng thêm 80% so với mức công suất hiện tại.

Trong đó, dự án Ayago, với công suất 840MW, là dự án lớn nhất, đóng vai chiến lược cho an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định nhằm phát triển kinh tế bền vững. Hai dự án Kiba và Oriang cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện kế hoạch xây dựng và huy động vốn từ các đối tác quốc tế.

Dự kiến sau khi hoàn thành 3 dự án trên sông Nile, tổng công suất điện của Uganda sẽ đạt khoảng 3.678MW, tăng thêm 80% so với mức công suất hiện tại. Ảnh: Energynews

Sinohydro Corporation Limited và Power China International Group Limited là những đối tác quốc tế quan trọng, từng tham gia vào quá trình phát triển nhà máy thủy điện Karuma (600MW) năm 2013 và có kế hoạch tiếp tục hợp tác trong 3 dự án trên sông Nile sắp tới. Sự tham gia của các đối tác quốc tế không chỉ hỗ trợ xây dựng các công trình mới mà còn giúp Uganda nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng năng lượng hiện có, thể hiện cam kết lâu dài trong việc hỗ trợ nước này phát triển ổn định, bền vững.

3 dự án thủy điện mới đóng vai trò chiến lược quan trọng, hỗ trợ phát triển công nghiệp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng năng lượng trong nước mà còn mở ra nhiều cơ hội kinh tế mới trong khu vực thông qua việc xuất khẩu điện cho các nước láng giềng Đông Phi. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn nằm ở nguồn vốn, chính phủ Uganda đang tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư, tổ chức tài chính, cố vấn quốc tế để đảm bảo tài chính cho giai đoạn đầu của các dự án, đặc biệt ưu tiên cho dự án Kiba. 

Bên cạnh việc tăng cường công suất thủy điện, Uganda cũng đang xem xét mở rộng nguồn năng lượng hạt nhân. Hợp tác với Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC), Uganda lên kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và giảm phụ thuộc vào các nguồn truyền thống. Tuy nhiên, phát triển điện hạt nhân đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ, cơ sở hạ tầng hiện đại để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho các nhà máy điện hạt nhân. Dự án này vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch. 


  • 09/10/2024 10:29
  • Nguyệt Hà (Theo Energynews)
  • 655