Đẩy mạnh tự động hóa trong khâu vận hành
Ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc EVNNLDC cho biết, hệ thống điện Việt Nam đã có bước phát triển mạnh, với mức độ tăng trưởng sản lượng điện bình quân lên đến hơn 10%/năm. Để vận hành hệ thống điện - thị trường điện an toàn, tin cậy và kinh tế, EVNNLDC xác định, việc ứng dụng thành tựu KHCN vào vận hành hệ thống điện có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Cũng theo ông Khu, thời gian qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNNLDC đã đầu tư, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại. Điển hình là hệ thống SCADA/EMS thế hệ mới, đã được đưa vào vận hành chính thức từ đầu năm 2016. Đây là hệ thống thu thập dữ liệu và giám sát điều khiển trên toàn bộ hệ thống điện Việt Nam từ cấp điện áp 110 kV đến 500 kV, giúp các điều độ viên nắm bắt được một cách đầy đủ và chính xác nhất thông tin về tình trạng hệ thống điện. Hệ thống này được đi kèm với các phần mềm, ứng dụng quản lý năng lượng, cho phép thực hiện các tính toán phân tích hệ thống điện một cách tự động theo thời gian thực. Đây cũng là công cụ hữu ích, giúp các điều độ viên đưa ra những quyết định thao tác nhanh và hợp lý nhất.
Trước đây, điều độ viên trong ca trực khi ra lệnh điều độ phải sử dụng điện thoại để kết nối đến các nhà máy điện. Tuy nhiên, khi hệ thống điện ngày càng phát triển, khối lượng công việc ngày càng nhiều, việc sử dụng điện thoại không thể đáp ứng được yêu cầu. Lúc này, Trung tâm đã đưa vào vận hành hệ thống quản lý mệnh lệnh điều độ (DIM). Đây là hệ thống trao đổi thông tin điều độ hệ thống điện giữa đơn vị điều độ với các nhà máy điện qua hệ thống máy tính. Với hệ thống này, mỗi điều độ viên có thể gửi khoảng 10 lệnh điều độ chỉ trong vòng vài phút...
EVNNLDC đã ứng dụng nhiều thành tựu khoa học công nghệ vào công tác vận hành hệ thống điện, thị trường điện
|
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2019, khi các nhà máy điện năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành với số lượng lớn, gây quá tải trầm trọng cho lưới điện trong khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, EVNNLDC đã ứng dụng công nghệ tự động điều chỉnh công suất phát (AGC) các nhà máy điện gió, điện mặt trời. Hệ thống này sẽ tự động giám sát và tối ưu hóa điều chỉnh công suất phát của các nhà máy điện năng lượng tái tạo theo thời gian thực, đảm bảo lưới điện vận hành trong giới hạn cho phép. Qua đó, hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy. Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại không chỉ góp phần giúp EVNNLDC vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy và kinh tế, mà còn nâng cao năng suất lao động.
Còn nhiều thách thức
EVNNLDC đang phấn đấu đến năm 2025, sẽ trở thành một trong những đơn vị hàng đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ cao vào vận hành hệ thống điện - thị trường điện. Để đạt được mục tiêu này, Trung tâm đang triển khai nghiên cứu các đề án ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Nghiên cứu sử dụng công nghệ dữ liệu lớn, AI (trí thông minh nhân tạo) trong dự báo phụ tải hệ thống điện quốc gia, miền và các tổng công ty điện lực; ứng dụng công nghệ AI và dự báo lượng nước về các hồ thủy điện; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn, AI trong vận hành hệ thống tích hợp pin tích trữ năng lượng với các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia...
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng các đề án này, Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Bởi các ứng dụng công nghệ AI, Big Data, Blockchain, IoT… đều là những lĩnh vực rất mới, phức tạp và nằm ngoài lĩnh vực hoạt động của EVNNLDC. Do đó, Trung tâm cần có nhiều thời gian nghiên cứu, lựa chọn giải pháp và công nghệ phù hợp.
Bên cạnh đó, các công nghệ tiên tiến áp dụng trong vận hành hệ thống điện có mức độ chuyên sâu cao, phức tạp, đòi hỏi thời gian nghiên cứu, tìm hiểu kỹ mới có thể làm chủ, vận hành an toàn, hiệu quả. Do đó, Trung tâm xác định, việc có được nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt để Trung tâm làm chủ được các công nghệ mới.
EVNNLDC sẽ tiếp tục triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vận hành hệ thống điện ở trong nước và gửi đi ngoài nước đào tạo, học hỏi, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu các Đề án của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Trung tâm cũng chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, các nhà thầu, học hỏi và từng bước nắm bắt và làm chủ các công nghệ mới.