PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục - Nguồn ảnh: Reatimes.vn
|
PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục: Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang phát triển rất nóng, kéo theo phải sử dụng nhiều nguồn năng lượng khác nhau để “nuôi dưỡng” cho hoạt động đô thị. Đáng nói, đô thị hóa ở Việt Nam phát triển ồ ạt đúng thời điểm mà thế giới chú trọng đặc biệt đến hiệu quả của đô thị về mặt năng lượng, với việc phát động các phong trào phát triển bền vững như tăng trưởng xanh, đô thị xanh, kiến trúc xanh, đô thị thông minh, đô thị bảo tồn năng lượng,…
PV: Trong một diễn đàn năng lượng gần đây, bà cho rằng sự “bất thành” của chiến lược năng lượng ở Việt Nam có thể diễn ra không phải bởi nhu cầu cũng như tiêu tốn năng lượng trong các lĩnh vực công nghiệp hay dịch vụ, mà đến từ việc đô thị hóa "bừa bãi"?
PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục: Trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam, khoảng 1/3 (khoảng 30%) nguồn năng lượng tiêu thụ toàn quốc dành cho đời sống dân sinh và đô thị. Điều này cho thấy, tầm nhìn chiến lược chưa được dài hạn. Với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của Việt Nam hiện nay, chỉ dành hơn 30% tổng tiêu thụ năng lượng sẽ là không đủ.
Tôi cho rằng, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia phải gắn chặt với chiến lược đô thị hóa. Không những thế, phải gắn chặt với việc sử dụng các tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng; tài nguyên từ chính quá trình đô thị hóa.
Ví dụ, chúng ta nói năng lượng tái tạo dồi dào ở Việt Nam như gió, mặt trời. Tuy nhiên, năng lượng về sự chênh lệch nhiệt độ bên trong và bên ngoài của một ngôi nhà (hiệu ứng nhiệt) - cũng là những dạng tài nguyên năng lượng cho đô thị - thì chưa bao giờ được lồng ghép trong các chiến lược phát triển đô thị, và càng phải gắn chặt với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.
Đã đến lúc, về mặt quản lý nhà nước, không thể chỉ dừng lại ở đơn ngành nữa - mà phải thấy rằng, việc lồng ghép các mục tiêu phát triển quốc gia và đặc biệt là chiến lược phát triển năng lượng quốc gia phải lồng ghép được những vấn đề nóng. Nếu không gắn chặt được hai phần này với nhau, rủi ro về mặt phát triển đô thị của Việt Nam là rất lớn.
PV: Theo bà, cần phải làm gì để kiểm soát tiêu thụ năng lượng ở các đô thị của Việt Nam?
PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục: Việc kiểm soát tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam - đặc biệt trong các khu đô thị đang gần như bỏ ngỏ, mạnh ai nấy làm. Theo tôi, cần phải cấp “quota” cho năng lượng. Đây là giải pháp chiến lược mà tất cả các quốc gia phát triển đô thị trong thế kỷ 21 đều phải tính đến.
Đến năm 2030, phần năng lượng sử dụng cho đô thị phải lên tới 45-50% trong toàn bộ nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Do đó, không thể nào để cho các ngôi nhà và toàn bộ đô thị không được gắn với chính sách về tiết kiệm năng lượng.
Nếu xây dựng những chính sách, tiêu chuẩn, quy phạm cho các công trình ở đô thị đúng với thông lệ quốc tế, chúng ta đã tiết kiệm ít nhất là được 20-30% năng lượng sử dụng. Có nghĩa rằng, trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, chỉ cần sử dụng hiệu quả và đúng những hạn mức cho đời sống đô thị thì sẽ tiết kiệm được từ 15-20% lượng điện năng của toàn quốc.
Các công trình cần phải có các quy chuẩn “autonomous- house”, tức là tự cung, tự cấp về năng lượng và nước là chủ yếu. Hiện nay các quốc gia, đặc biệt là Anh, Đức, Thụy điển, Phần Lan, Na-Uy,…, dù là những nước rất giàu nhưng cũng đã phải tính đến cấp “quota” về năng lượng. Ví dụ, một công trình bao nhiêu người ở, khối tích bao nhiêu thì được sử dụng bao nhiêu kWh điện trong ngày; công trình phải có những giải pháp để tự lấy năng lượng (mặt trời, gió hay là điện nhiệt), hoặc phải tự tích lũy nước mưa để sử dụng,...
PV. Việc phát triển năng lượng tái tạo trong quá trình đô thị hóa thì sao, thưa bà?
PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục: Không phải tất cả các quốc gia đều phát triển năng lượng tái tạo thành công, hoặc là chỉ dựa vào năng lượng tái tạo. Với câu chuyện đô thị ở Việt Nam, tôi cho rằng phải tính đến chuyện phát triển năng lượng tái tạo ở các thành phố mạnh hơn nữa.
Việt Nam đang khuyến khích phát triển điện mặt trời, nhưng phần lớn các công trình lại ở xa thành phố, khu trung tâm, khu chế xuất. Các nhà đầu tư nguồn điện này lại không cần phải tham gia vào việc đầu tư hạ tầng truyền dẫn và những hạ tầng rất đắt tiền khác. Chúng ta khuyến khích năng lượng mặt trời phát triển, nhưng lại không gắn chặt vào chiến lược phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị,...
Việt Nam cũng đã có những chủ trương, dự án phát triển điện mặt trời ở trên mái nhà, đồng nghĩa với việc đưa các mái nhà trở thành những nhà máy điện trong đô thị. Nhưng về lâu dài cần có giải pháp căn cơ hơn, không phải chỉ là những dự án, mà ở tầm nhìn dài hạn của chính phủ, sao cho những mái nhà, những bãi trống,… của đô thị đều có thể phát điện tại chỗ.
PV: Vâng, xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi.