Ứng phó mùa mưa bão 2012: Linh hoạt với nhiều kịch bản

Trước diễn biến ngày càng bất thường và phức tạp của mưa bão, để giảm thiểu thiệt hại, quan trọng nhất là chủ động ứng phó linh hoạt với nhiều kịch bản.

Tiến sỹ Đặng Thanh Mai – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương trả lời phỏng vấn của phóng viên evn.com.vn:

PV: Thưa Tiến sỹ, đề nghị Tiến sỹ cho biết, dự báo tình hình mưa bão năm nay có gì khác so với những năm trước?

TS Đặng Thanh Mai: Mùa mưa bão năm nay dự báo số lượng các cơn bão có khả năng đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta không nhiều (khoảng 8 – 10 cơn trên biển Đông, từ nay đến cuối năm còn khoảng 3 – 4 cơn có ảnh hưởng trực tiếp), nhưng diễn biến lại phức tạp và rất khó lường.

Đỉnh lũ cao nhất năm 2012 trên các hệ thống sông tại Bắc Bộ sẽ cao hơn đỉnh lũ năm 2011; trên các sông thượng lưu hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình có khả năng ở mức báo động 1 đến mức báo động 2. Đỉnh lũ cao nhất năm 2012 trên các sông chính ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện vào tháng 8. Đỉnh lũ cao nhất năm  trên các sông ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai… đều có khả năng cao hơn năm 2011.

Trong các tháng tiếp theo của mùa mưa, bão, lũ năm 2012, hiện tượng ENSO chuyển sang trạng thái El Nino vào khoảng tháng 8, tháng 9 nên diễn biến thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ diễn biến rất phức tạp. Do vậy, có khả năng mùa mưa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ kết thúc sớm hơn so với bình thường. Tuy nhiên, vẫn cần chủ động đề phòng bão mạnh có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn trong thời đoạn ngắn, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên.

PV: Vậy khả năng ảnh hưởng, tác động tới các hồ chứa thủy điện, đường dây, trạm điện… của mùa mưa bão năm nay nguy hiểm đến mức nào, thưa Tiến sỹ?

TS Đặng Thanh Mai: Do tần suất, cường độ mưa bão năm nay khá lớn, tính chất lại phức tạp và diễn biến khó lường, nên khả năng tác động xấu tới các hồ chứa thủy điện cũng như các công trình điện là rất lớn. Khả năng xuất hiện các trận mưa với cường độ cao sẽ gây lũ lớn về hồ chứa, gây nguy hiểm cho đập và xả lũ gây ngập hạ lưu.

Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, tố, lốc, gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở đất... có khả năng gây ảnh hưởng đến hệ thống đường dây, trạm điện. Đặc biệt, hiện tượng bão chồng bão, lũ chồng lũ nguy hiểm vẫn có nhiều khả năng xảy ra, sẽ khiến công tác phòng chống và khắc phục sự cố các công trình điện khó khăn hơn, nhất là đối với các hồ chứa thủy điện vừa phải xả lũ để đảm bảo an toàn vận hành, vừa tránh tối đa tác động xấu tới hạ du...

PV: Khuyến cáo của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đối với công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiệt hại cho ngành Điện là gì, thưa Tiến sỹ?

TS Đặng Thanh Mai: Hằng năm, công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai của các công ty, đơn vị trong ngành Điện vẫn được quan tâm đặc biệt. Nhất là đối với các công trình thủy điện có hồ chứa lớn, đa mục tiêu, công tác diễn tập phòng chống lụt bão đã được các đơn vị triển khai khá tốt. Tuy nhiên, với những diễn biến ngày càng bất thường của mưa bão, theo tôi, vẫn phải đề cao tính chủ động, thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình để có các phương án ứng phó kịp thời. Các công ty điện lực, các nhà máy thủy điện cần phải đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp phòng chống. Đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, tranh thủ lực lượng phòng chống lụt bão tại địa phương để theo dõi sát tình hình, diễn biến thời tiết xấu và tranh thủ sức mạnh tổng hợp cho công tác phòng, chống hiệu quả.

Quan trọng nhất là phải có nhiều kịch bản ứng phó để trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể giảm thiểu tác động của mưa, lũ, bão đến các công trình điện.

PV: Xin cảm ơn Tiến sỹ!


  • 28/08/2012 03:59
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới Điện
  • 3355


Gửi nhận xét