Tham gia hội thảo có Bộ trưởng Bộ KH&CN, Phó trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - Nguyễn Quân; ông Alexander Bychkov - Phó Tổng giám đốc IAEA; bà Anne Starz - Trưởng nhóm kết cấu hạ tầng hạt nhân tích hợp IAEA; ông Yuri Sokolov - Phó Chủ tịch Rosatom; ông Akira Omoto - Ủy viên Ủy ban Năng lượng nguyên tử Nhật Bản, Giáo sư Học viện Công nghệ Tokyo; các thành viên Ban chỉ đạo nhà nước dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…
|
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: HT |
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: “Kết cấu hạ tầng là vấn đề vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo an toàn, an ninh điện hạt nhân của mỗi quốc gia. Phát triển kết cấu hạ tầng là sự đảm bảo của Chính phủ Việt Nam về thể chế, tính hợp pháp, công nghệ, công nghiệp và nhân sự điện hạt nhân. Đồng thời, tuân thủ các quy định của quốc tế, hướng dẫn về an ninh và yêu cầu đảm bảo không phổ biến vũ khí vũ trang hạt nhân”.
Vì vậy, nội dung của Hội thảo xoay quanh các vấn đề: Hiện trạng kết cấu hạ tầng điện hạt nhân quốc gia của Việt Nam; những vấn đề then chốt cần xem xét trong phát triển kết cấu hạ tầng điện hạt nhân; các yêu cầu và hướng dẫn quốc tế về thiết lập khuôn khổ an toàn, kinh nghiệm của Liên bang Nga trong phát triển điện hạt nhân; những thay đổi về an toàn và pháp quy hạt nhân từ bài học Fukushima Daiichi của TEPCO - Nhật Bản.
Để đảm bảo cho một chương trình điện hạt nhân được thực hiện an toàn, hiệu quả, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã hướng dẫn và xây dựng các cột mốc, đưa ra những thách thức và giải pháp đối với chương trình điện hạt nhân mới…
“Các nhân tố then chốt cho sự thành công của chương trình điện hạt nhân bao gồm: Sự tham gia của các bên liên quan trong kết cấu hạ tầng, ban hành luật pháp quốc gia trong đó định rõ vai trò, trách nhiệm và mở rộng thẩm quyền cho chủ sở hữu - tổ chức vận hành tương lai cũng như cho các cơ quan pháp quy. Đồng thời, cơ quan thực thi chương trình điện hạt nhân (NEPIO) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối sự phát triển điện hạt nhân ở một quốc gia" - Ông Alexander Bychkov - Phó Tổng giám đốc IAEA khẳng định.
Theo IAEA, quá trình phát triển kết cấu hạ tầng điện hạt nhân được chia thành 3 giai đoạn với tổng thời gian từ 10 - 15 năm, tính từ lúc Chính phủ bắt đầu lựa chọn năng lượng hạt nhân đến khi đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành thương mại.
Giai đoạn 1: Các công tác xem xét trước khi quyết định chương trình điện hạt nhân, gọi là giai đoạn tiền dự án và kết thúc khi có quyết định của Chính phủ cam kết thực hiện chương trình điện hạt nhân.
Giai đoạn 2: Các công tác chuẩn bị mọi mặt cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nghiên cứu khả thi cho tới khi sẵn sàng mời thầu và khởi công xây dựng nhà máy.
Giai đoạn 3: các hoạt động thực thi, xây dựng nhà máy và kết thúc khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẵn sàng đưa vào vận hành thương mại. Hàng năm IAEA cử các đoàn chuyên gia vào để đánh giá từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân.
Theo đó, Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn 2 của quá trình phát triển kết cấu hạ tầng điện hạt nhân.
Theo định nghĩa của IAEA, kết cấu hạ tầng điện hạt nhân bao gồm tất cả những hoạt động và các bước chẩn bị cần thiết để thiết lập và thực thi một chương trình điện hạt nhân, gồm 19 vấn đề:
Vị trí quốc gia; An toàn hạt nhân; Quản lý; Vốn và tài chính; Hệ thống pháp lý; Thanh sát; Khuôn khổ pháp quy; An toàn bức xạ; Lưới điện; Phát triển nguồn nhân lực; Sự tham gia của các bên liên quan; Địa điểm và các cơ sở phụ trợ; Bảo vệ môi trường; ứng phó sự cố; An ninh và bảo vệ thực thế; Chu trình nhiên liệu; Chất thải phóng xạ; Sự tham gia của các ngành công nghiệp; Mua sắm.
|