Bước đột phá trong vệ sinh lưới điện
Ông Nguyễn Văn Xuân cho biết, hệ thống lưới điện Việt Nam cũng như tất cả các nước trên thế giới, đều phải “sống chung” với bụi bẩn từ môi trường. Khi bề mặt bẩn kéo dài sẽ gây dòng rò làm tổn thất điện năng. Nếu độ bẩn tích tụ nhiều, kết hợp độ ẩm cao hoặc sương mù có thể dẫn đến phóng điện dọc theo bề mặt chuỗi cách điện, gây ra sự cố pha - đất, làm gián đoạn cấp điện. Do đó, để đảm bảo an toàn cho hệ thống, định kỳ sau một thời gian vận hành, các đơn vị Điện lực phải tiến hành cắt điện, đồng thời huy động một lực lượng lớn nhân lực làm vệ sinh lưới điện.
Đáng nói, việc cắt điện khi tiến hành vệ sinh lưới điện đã gây nhiều thiệt hại cho hệ thống: Phá vỡ phương thức vận hành hợp lý, tăng tổn thất điện năng, gây gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng… Đặc biệt, việc công nhân phải lau chùi từng bát sứ trên độ cao 15-40 m, có vị trí cao hơn 50 m, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động.
Trước thực trạng đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm số lần cắt điện khi tiến hành vệ sinh sứ mà vẫn đảm bảo an toàn cho công nhân làm vệ sinh… Ý tưởng này luôn luôn nung nấu trong tâm trí ông Nguyễn Văn Xuân.
Đến năm 2005, ý tưởng về giải pháp vệ sinh cách điện hotline, sử dụng nước áp lực cao bắt đầu manh nha và được ông Xuân bắt tay vào nghiên cứu. Mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian và công sức cho công nhân, đặc biệt là không phải cắt điện của khách hàng. Công nghệ này sử dụng giải pháp phun nước áp lực cao vào trụ điện, đường dây, bát sứ, trong khi đường dây vẫn mang tải. Nước nguyên chất đã được khử ion trong vệ sinh lưới điện nên không dẫn điện.
“Giải pháp đã được nhiều nước áp dụng từ lâu, nhưng với Việt Nam, lại hoàn toàn mới. Do vậy, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, tính toán hiệu quả, an toàn và đặc biệt là chứng minh đã làm chủ được công nghệ này” - ông Xuân cho biết.
Đến năm 2010, PTC 3 bắt đầu ứng dụng công nghệ vệ sinh cách điện hotline bằng nước áp lực cao trên lưới điện truyền tải 500 kV và 220 kV; tạo ra bước đột phá, khắc phục được những khiếm khuyết của cách làm thủ công, truyền thống. Chính vì vậy, kết quả nghiên cứu đã được Hội đồng Nghiệm thu Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia công nhận và cho phép triển khai ứng dụng vào thực tiễn trên lưới truyền tải.
Hai năm sau, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo Nhóm Nghiên cứu tiếp tục mở rộng phạm vi ứng dụng trên lưới điện phân phối. “Do công nghệ này cho phép vệ sinh lưới điện khi đang mang tải, nên những người thực hiện phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn, tuyệt đối không được phép sai sót. Chính vì vậy, mặc dù rất ủng hộ, nhưng lãnh đạo EVN khi đó cũng rất thận trọng, yêu cầu thí điểm trên lưới điện của cả 3 miền; đặc biệt là phải làm chủ được công nghệ xử lý nước, đảm bảo an toàn cho công nhân vận hành”, ông Xuân cho biết.
Phải đến năm 2015, sau 10 năm nghiên cứu và chứng minh hiệu quả của giải pháp này trong thực tiễn, Quy trình vệ sinh cách điện lưới điện hotline đã được EVN chính thức ban hành, tạo cơ sở pháp lý để các đơn vị triển khai. Đồng thời, Tập đoàn cũng yêu cầu PTC 3 đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị quản lý vận hành lưới điện. Đến nay, công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi trên toàn quốc, từ lưới điện 22 kV-500 kV.
Tăng năng suất, giảm thời gian mất điện
Là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ vệ sinh hotline, ông Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc (Công ty Truyền tải điện 1) cho biết, nếu trước đây, để vệ sinh xong một cột, công nhân phải thao tác thủ công mất 2-3 giờ, thì nay, thời gian thực hiện không quá 3 phút.
Bên cạnh đó, khi hệ thống điện Việt Nam chưa thật sự đáp ứng vận hành theo tiêu chí N-1, việc thay đổi phương thức vận hành do phải cắt điện một ngăn lộ để vệ sinh sứ trong một thời gian dài là rất khó khăn và có nguy cơ dẫn đến quá tải các đường dây. Do đó, công nghệ vệ sinh cách điện hotline đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, cải thiện chỉ số saifi, saidi của toàn ngành Điện.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Xí nghiệp Cơ điện, thuộc Công ty Điện lực Phú Yên, đã thực hiện 27 lần vệ sinh lưới điện bằng công nghệ hotline, qua đó, giảm được 5.640 phút cắt điện; góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, giảm thời gian cắt điện của khách hàng.
Ông Bùi Xuân Thành - Phó giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam (PC Hà Nam) chia sẻ, khách hàng trong các khu công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất xi măng thường có tần suất sự cố cao. Để giảm bớt tình trạng này, năm 2016, PC Hà Nam đã đầu tư một xe rửa sứ hotline, vệ sinh các thiết bị cho các doanh nghiệp mà không cần cắt điện. Việc làm này được các doanh nghiệp đánh giá rất cao.
Không chỉ đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, giảm tổn thất điện năng, vệ sinh cách điện hotline còn góp phần đảm bảo an toàn lao động, khi công nhân không còn phải treo lơ lửng trên các cột điện cao hàng chục mét, làm vệ sinh từng bát sứ cách thủ công.
Hiệu quả đã được chứng minh bằng thực tiễn. Việc áp dụng công nghệ “vệ sinh sứ cách điện hotline tiếp tục khẳng định rằng, EVN đã và đang thực hiện những giải pháp kĩ thuật tiên tiến, phù hợp với xu thế phát triển của một nền công nghiệp hiện đại.