Vốn cho công trình điện năm 2016: Ngổn ngang lời giải

Nếu như năm 2015, các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm đều được bố trí đủ vốn, thì năm 2016, việc thu xếp vốn cho các công trình điện được dự báo sẽ rất khó khăn...

Cần hơn 132.000 tỷ đồng
 
Giai đoạn 2016 – 2020, EVN đặt mục tiêu đảm bảo tiến độ các dự án điện trọng điểm và cấp bách, với tổng số vốn cần huy động khoảng trên 600.000 tỷ đồng. Riêng năm 2016, tổng giá trị đầu tư xây dựng của EVN dự kiến là 132.536 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2015. Theo đó, đối với các dự án nguồn, EVN dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành 9 tổ máy (tổng công suất 2.534 MW) gồm Thủy điện Lai Châu tổ máy 2 và 3 (2x400 MW), Thủy điện Huội Quảng tổ máy 2 (260 MW), Thủy điện Trung Sơn tổ máy 1 và 2 (2x65 MW), Thủy điện Sông Bung 2 (2x50 MW), Nhiệt điện Duyên Hải 3 (2x622 MW). Đồng thời, sẽ khởi công Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng; đảm bảo tiến độ các dự án sẽ phát điện năm 2017 gồm: Nhiệt điện Thái Bình (TM1), Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (TM1), Thủy điện Thác Mơ mở rộng và các dự án cấp bách tại TTĐL Vĩnh Tân, Duyên Hải. 
 
Đối với các dự án lưới điện, năm 2016, EVN đặt mục tiêu phải hoàn thành và đưa vào vận hành 351 công trình từ 110 – 500 kV. Đồng thời khởi công 337 công trình, trong đó khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, thu xếp vốn đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm, cấp bách như: ĐD 500 kV Mỹ Tho – Đức Hòa, Tây Hà Nội – Thường Tín; nâng công suất các trạm 500 kV Tân Định, Cầu Bông… Tiếp tục tập trung thực hiện các dự án, công trình lưới điện cấp bách, đặc biệt các công trình nâng cao năng lực hệ thống truyền tải Bắc – Nam, lưới điện đồng bộ các Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân 4, Sông Hậu, Long Phú…
 

Giai đoạn 2016-2020, EVN cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư các dự án cấp điện nông thôn 

 
Đối với các dự án cấp điện nông thôn, hải đảo, EVN và các đơn vị đặt mục tiêu đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án cấp điện đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), các xã đảo Lại Sơn, Hòn Nghệ (Kiên Giang); hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng các dự án thuộc Chương trình cấp điện cho khu vực miền núi, nông thôn và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 (Quyết định 2081/QĐ-TTg).
 
Mục tiêu của EVN là đảm bảo cung ứng điện cho quá trình CNH - HĐH của Việt Nam cũng như phục vụ đời sống nhân dân, đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng hệ thống điện, phấn đấu đến năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Để đạt được mục tiêu này, trung bình mỗi năm EVN cần khoảng 6 tỷ USD, chưa kể vốn đầu tư của các doanh nghiệp khác vào phát triển kết cấu hạ tầng hệ thống điện. Trong khi đó, các tác động do điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ trong năm 2015, tăng giá bán than cho sản xuất điện từ năm 2016, tăng giá khí trong bao tiêu, tăng thuế tài nguyên nước, tăng chi phí cho môi trường rừng là những yếu tố chưa được đưa vào cân đối trong giá điện hiện hành. Đó sẽ là những yếu tố tạo áp lực rất lớn đối với tình hình tài chính của Tập đoàn. 
 
Phát biểu tại buổi gặp mặt các đối tác quốc tế cuối tháng 1/2016, ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN khẳng định: EVN kỳ vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế và tài chính, kịp thời bổ sung nguồn vốn, đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình điện.
 

Trung bình mỗi năm EVN cần khoảng 6 tỷ USD đầu tư cung cấp điện phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước
 
Cần sự hỗ trợ đa phương
 
Để giải quyết vốn cho các công trình điện trong năm 2016, trước mắt, EVN sẽ ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm, các công trình phải hoàn thành trong năm 2016. Đồng thời, yêu cầu các ban QLDA cần đặc biệt chú trọng lập kế hoạch tài chính, nghiệm thu khối lượng hoàn thành kịp thời cho các nhà thầu để thanh toán và giải ngân nhanh các nguồn vốn vay trong nước và nước ngoài. 
 
EVN còn đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VII và phê duyệt cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện, làm cơ sở thực hiện; vay vốn ODA làm nguồn ngân sách cấp cho các chủ đầu tư để đảm bảo nguồn vốn thực hiện đúng tiến độ các dự án điện nông thôn giai đoạn 2016 – 2020; cho phép các dự án điện được vay lại của Bộ Tài chính nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài theo đúng các điều kiện cho vay của nhà tài trợ, không áp dụng cơ chế cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng làm tăng chi phí đi vay đối với các dự án.
 
Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng cho biết: Hơn 20 năm qua, các tổ chức quốc tế đa phương và song phương tại Việt Nam đã hỗ trợ hơn 10 tỷ USD phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH của Việt Nam. Trong đó, phần lớn phục vụ Chương trình Điện khí hóa nông thôn, hỗ trợ ngành Điện trong việc nâng cao hệ thống mạng lưới truyền tải, phân phối cũng như nâng cấp toàn bộ kết cấu hạ tầng hệ thống điện. Và thực tế đã chứng minh, ngành Điện nói chung và EVN nói riêng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
 
“WB tại Việt Nam cùng các đối tác sẽ kề vai sát cánh với EVN, ngành Điện Việt Nam trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn điện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam”, Bà Victoria Kwakwa khẳng định. 
 
Ông Christian Haas - Giám đốc Văn phòng Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tại Hà Nội: Ngân hàng Tái thiết Đức đã có rất nhiều dự án về năng lượng tại nhiều quốc giá khác nhau. Tuy nhiên, chỉ một số ít đối tác có khả năng chuẩn bị và thực hiện dự án một cách nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp. EVN là một trong những đối tác sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất của KfW không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, tổng số tiền tài trợ của KfW đối với EVN lên tới hơn 400 triệu Euro.
 
Trong vòng 2 năm tới, KfW dự kiến sẽ tiếp tục ký kết với EVN khoảng 500 triệu Euro, tập trung vào các dự án nhằm cải tạo hệ thống lưới điện phân phối cũng như truyền tải, tại các khu vực thành phố vừa và nhỏ cũng như đô thị lớn như TP Hà Nội và TP HCM.
 
 


  • 25/03/2016 04:04
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 7392


Gửi nhận xét