Hội nghị tập trung thảo luận những thách thức liên quan đến việc phát triển điện hạt nhân ở châu Á như năng lượng hạt nhân, biến đổi khí hậu, các vấn đề an toàn, an ninh, pháp lý, môi trường và xã hội phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân; các cơ hội đầu tư và chiến lược tài chính cho lĩnh vực điện hạt nhân...
Chương trình phát triển điện hạt nhân Việt Nam là nội dung trọng tâm được hội nghị tập trung thảo luận.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình với 9 quốc gia trên thế giới.
Đồng thời, Việt Nam cũng đã tham gia hầu hết các văn kiện pháp lý quốc tế liên quan, tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng hạt nhân cần thiết cho việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân.
Để triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam đã ký với Liên bang Nga và Nhật Bản thỏa thuận hợp tác xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.
Đến nay, các tổ chức tư vấn của Liên bang Nga và Nhật Bản đã hoàn thành và nộp báo cáo Dự án đầu tư (FS) và Hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) của các Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam - chủ đầu tư dự án để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, các dự án thành phần của Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận cũng đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tích cực triển khai.
Đánh giá cao những việc làm trong thời gian qua của Việt Nam, ông Giles Lever nhấn mạnh thêm, việc phát triển phải đảm bảo xây dựng các biện pháp an toàn, an ninh ngay từ giai đoạn đầu và giám sát rủi ro để không xảy ra sự cố như ở Fukushima, Nhật Bản.
Hội nghị là cơ hội giúp cho các quốc gia mới bắt đầu phát triển điện hạt nhân như Việt Nam triển khai chương trình điện hạt nhân một cách an toàn, an ninh và hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính có ảnh hưởng xấu đến biến đổi khí hậu.