Những kết quả tích cực
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của Bộ Công Thương, sau khi Bộ ban hành Quyết định số 4293/QĐ-BCT ngày 28/10/2016 về phương pháp đánh giá thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, hầu hết UBND các tỉnh/thành phố đã ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết và triển khai thực hiện. Đến nay, về cơ bản, các địa phương đã có được cơ sở và phương pháp đánh giá thống nhất để thẩm định, xét công nhận cho các xã đạt tiêu chí về điện nông thôn.
6 tháng đầu năm 2017, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra lưới điện trên địa bàn; đôn đốc các công ty điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tổ chức quản lý, bán lẻ điện nông thôn. Tổng số vốn đầu tư cho hạ tầng điện khoảng 6.033,42 tỷ đồng. Có 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% tổng số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM về tiêu chí điện, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Ban chỉ đạo, việc áp dụng phương pháp đánh giá tiêu chí số 4 theo Quyết định số 4293/QĐ-BCT xuất hiện một số khó khăn. Cụ thể: Các điều kiện, tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn còn cao so với thực tế; nhiều xã còn tồn tại điểm vi phạm hành lang lưới điện cao áp từ lâu chưa thực hiện giải phóng được. Mặt khác, còn nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có điện, đường giao thông, trong khi mật độ dân cư thưa thớt.
Việc đầu tư xây dựng lưới điện gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách của các địa phương còn hạn chế, chỉ hỗ trợ đầu tư lưới điện trung thế nông thôn. Về đầu tư lưới điện hạ thế, UBND cấp huyện và người dân được thụ hưởng tự nguyện góp vốn để đầu tư. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư các công trình lưới điện hạ thế cũng gặp nhiều hạn chế vì người dân các khu vực này kinh tế còn khó khăn, chủ yếu làm nông nghiệp và là người dân tộc thiểu số.
Nỗ lực thực hiện
Đại diện Ban Chỉ đạo cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục bám sát Chương trình công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, triển khai có hiệu quả, bảo đảm tiến độ nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí số 4. Theo đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tầng lớp nhân dân các cấp, ngành hiểu rõ, thấy được trách nhiệm và lợi ích của chương trình. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời tuyên truyền, phổ biến, biểu dương các tổ chức, cá nhân điển hình, những cách làm hay, mô hình tiên tiến thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn.
Mặt khác, sẽ tổ chức thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành các đơn vị trực thuộc triển khai chương trình. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêu chí số 4 tại một số địa phương để hướng dẫn, theo dõi, nắm bắt thông tin, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời hướng dẫn, hoặc nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa bàn và báo cáo Ban chỉ đạo trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Để thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn đạt hiệu quả cao nhất, Bộ Công Thương kiến nghị UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, xã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; phối hợp cùng Ban quản lý Dự án điện nông thôn trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất thực hiện dự án cấp điện; đầu tư hệ thống điện sau công tơ bảo đảm điều kiện kỹ thuật. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện phối hợp với Sở Công Thương khảo sát, lập kế hoạch đầu tư xây dựng lưới điện, tránh trùng lặp khi triển khai thực hiện.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2017 cả nước có 7.090 xã (79,38%) đạt chuẩn tiêu chí số 4, tăng 3,63% so với năm 2016. |