Tạo điều kiện xóa đói, giảm nghèo
Nằm dưới chân núi Phja Dạ - ngọn núi được mệnh danh là “nóc nhà” của Cao Bằng, địa hình xã Sơn Lập bị núi cao chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Nơi đây đã từng nằm trong danh sách “trắng” với 3 kỷ lục, không đường, không điện và không sóng điện thoại.
Ông Đàm Văn Cường - Chủ tịch xã Sơn Lập chia sẻ, ngược về năm 2008, khi đó, Sơn Lập vừa được tách ra từ xã Sơn Lộ với vô vàn khó khăn. Từ xã xuống huyện chỉ có con đường đất độc đạo, nhỏ hẹp, chỉ đủ cho một xe máy hoặc một người đi bộ vượt qua. Trời nắng đi lại đã khó, lúc mưa xuống, hầu như cả xã rơi vào tình cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Kết cấu hạ tầng hầu như chưa có gì. Trường học, trạm y tế chỉ là những căn nhà tạm bợ, xiêu vẹo…
“Phải đến năm 2014, với quyết tâm phá núi, mở đường, chính quyền và người dân xã Sơn Lập mới có được tuyến đường bộ Sơn Lập - Bảo Lạc, ô tô vào được trung tâm xã. Nhưng có lẽ, với người dân Sơn Lập, ngày 7/1/2017 là một ngày không thể nào quên, khi điện lưới quốc gia bừng sáng trên mảnh đất xa xôi, hẻo lánh này. Sơn Lập cũng là xã cuối cùng của tỉnh Cao Bằng có điện lưới quốc gia”, ông Cường chia sẻ.
Gần một năm trôi qua, mỗi khi nhớ lại thời khắc công nhân Công ty Điện lực Cao Bằng đóng điện, cấp điện lưới quốc gia cho xã Sơn Lập, anh Sùng A Vè (xóm Bản Riềng) vẫn còn bồi hồi: “Như là mơ vậy, khi đó, căn nhà nhỏ của tôi bừng sáng. Chỉ một bóng điện thôi, nhưng đã sáng gấp nhiều lần đèn dầu trước đây. Ưng cái bụng lắm!”.
Từ ngày có điện, gia đình anh Vè cũng bắt đầu mua sắm nồi cơm điện, tivi… phục vụ sinh hoạt. “Ưng nhất là tối đến được xem tivi, nghe các chủ trương của Đảng, Nhà nước; học được các mô hình trồng trọt, chăn nuôi… Trước đây chỉ mình biết mình thôi, không biết thế giới bên ngoài, giờ thì tôi nắm được nhiều thông tin lắm”, anh Vè hồ hởi chia sẻ.
Có điện, chất lượng dạy và học ở xã Sơn Lập từng bước được nâng cao
|
Trước đây, cuộc sống biệt lập, trình độ dân trí thấp, phần lớn người dân ở xã Sơn Lập gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày có đường giao thông và đặc biệt là từ khi có điện lưới quốc gia, kinh tế hộ gia đình đã từng bước khởi sắc. Nhiều nhà mua được máy xay xát, mở các cửa hàng bán các thiết bị điện phục vụ dân sinh…
Anh Thào A Tu (bản Phia Pàn) chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi chỉ buôn bán hàng hóa nhỏ lẻ, từ ngày có điện, tôi đã mạnh dạn mở rộng đầu tư, kinh doanh thêm cả xăng dầu. Kinh tế gia đình cũng từng bước được cải thiện".
Ông Đàm Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Sơn Lập cho biết, điện thực sự đã làm đổi thay cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây; giúp bà con từng bước tiếp cận với KHCN hiện đại, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Giảm dần các hủ tục lạc hậu
Không chỉ tạo đà phát triển kinh tế, điện lưới quốc gia cũng đã mang lại sức sống mới trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục ở xã Sơn Lập. Theo ông Đàm Văn Cương, nhờ có điện lưới quốc gia, đời sống vật chất, tinh thần của các thầy giáo, cô giáo cắm bản cũng được cải thiện nhiều. Điện đã thắp sáng tinh thần cho những người giáo viên cắm bản, gieo chữ ở vùng cao.
7 năm gắn bó với Trường THCS Sơn Lập, cô Lê Thị Liêm cho biết, gần một năm qua, các cô giáo ở đây không chỉ đoạn tuyệt với ánh đèn leo lét khi soạn giáo án, mà còn có thể mang những công nghệ hiện đại vào dạy học, tra cứu các bài giảng, giúp cho tiết học sinh động hơn, thu hút hơn. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Đặc biệt, có điện, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc nơi đây xã cũng thuận lợi hơn nhiều. Nhờ đó, các hủ tục lạc hậu đã ăn sâu, bén rễ bao đời nay ở các thôn bản đã dần dần được loại bỏ. Sơn Lập trước đây “nổi tiếng” với tập tục đẻ nhiều, nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, phá rừng làm rẫy… Từ ngày có đường, có điện, thông tin đến với người dân nhanh hơn, nhiều hơn và hiệu quả hơn. Qua đó, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu đã tồn tại lâu đời, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước, khi cái đói, cái nghèo vẫn còn hiển hiện trong đời sống thường ngày của người dân xã Sơn Lập. Nhưng với quyết tâm của chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi dây, tin tưởng rằng, cuộc sống của người dân sẽ bước sang một trang mới, không còn đói nghèo, lạc hậu…
Ông Trịnh Lôi Hưng - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Cao Bằng: Tính đến tháng 1/2017, 100% xã/phường của tỉnh Cao Bằng đã được phủ điện lưới quốc gia; 90% số hộ dân được sử dụng điện với chất lượng ổn định. Công ty Điện lực Cao Bằng đang“dồn sức” thực hiện các dự án đưa điện về cá thôn, bản chưa có điện, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Dự án cấp điện cho xã Sơn Lập:
- Tổng vốn đầu tư: 23,8 tỷ đồng;
- Xây dựng mới: 6,7 km đường dây trung thế 35 kV; 3 trạm biến áp với tổng công suất 300 kVA; gần 9,4 km đường dây hạ thế;
- Khởi công: Tháng 6/2016;
- Đóng điện: Tháng 1/2017.
|