Những dự án điện mặt trời luôn nằm trong mục tiêu ưu tiên nhằm đảm bảo cung cấp đủ năng lượng với chất lượng cao, sử dụng nhiều nguồn tái tạo đi đôi với bảo đảm môi trường mà Chính phủ đã phê duyệt trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.
Mặc dù vậy, nguồn năng lượng này vẫn chưa được khai thác đáng kể khi các dự án chủ yếu mang tính thí điểm, không nối lưới và chưa có dự án thương mại. Nguyên nhân là do giá thành sản xuất điện mặt trời còn cao, suất đầu tư lớn, chưa có cơ chế riêng về giá bán điện từ các dự án này để thu hút nhà đầu tư.
Với điểm chung của các kịch bản về sự thiếu hụt các nguồn năng lượng truyền thống tại Việt Nam trong tương lai đã đặt ra yêu cầu cần sớm tính toán đến những phương án đa dạng, huy động tối đa các hình thức năng lượng mới, trong đó có điện mặt trời.
Do là nước nằm gần xích đạo, Việt Nam được coi là có tiềm năng điện mặt trời với 4 - 5 kWh/m2/ngày, tập trung ở miền Trung và miền Nam. Đánh giá gần đây của tư vấn quốc tế cho thấy, nếu quy mô nhà máy khoảng 50 MW sử dụng công nghệ CHP sẽ sản xuất được từ 60 - 100 triệu kWh/năm. Trong khi đó, một nhà máy với quy mô 1 MW sử dụng công nghệ solar PV sẽ sản xuất được 1,2 triệu kWh/năm.
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tán thành quan điểm sớm xây dựng cơ sở pháp lý để khuyến khích hoạt động đầu tư phát triển điện từ năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Trong đó, cần xác định rõ những vấn đề như bản đồ quy hoạch điện mặt trời; các mô hình triển khai cấp dự án, cấp hộ gia đình, dự án nối lưới và không nối lưới; trách nhiệm mua điện nối lưới; ưu đãi về đầu tư với từng loại dự án…
Cơ quan soạn thảo cần chú ý quy định về giá bán điện của các dự án điện mặt trời nối lưới; trong đó có trách nhiệm bên mua, nguyên tắc bù trừ năng lượng giữa lượng điện phát và tiêu thụ ở các dự án lắp điện mặt trời trên mái nhà hộ gia đình.
Đồng thời cần nghiên cứu, tham khảo kỹ kinh nghiệm phát triển của các quốc gia đi trước trong lĩnh vực này, để tính toán chọn lọc những quy định phù hợp với Việt Nam khi xây dựng cơ chế hỗ trợ.