Xây dựng đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2: Có cấp bách?

Để miền Nam không thiếu điện từ năm 2019, việc xây dựng đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 (mạch 3) có phải là yêu cầu cấp bách cần khẩn trương tiến hành ngay từ năm 2017?

 

Dự án đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2:

  - Chủ đầu tư: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia

  - Quản lý Dự án: Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung

  - Chiều dài: hơn 700 km

  - Bao gồm 3 dự án thành phần:

  + Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch

  + Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi (dài khoảng 485 km)

  + Đường dây 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 (dài khoảng 209 km)

  - Dự kiến khởi công: Tháng 9/2017

  - Dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành: Quý I/2019

   

Đẩy sớm 5 năm

Theo tính toán cân bằng cung - cầu điện toàn quốc của EVN, dựa trên phương án cơ sở giai đoạn 2017 - 2020, hệ thống điện miền Bắc và miền Trung luôn bảo đảm cấp điện cho các phụ tải và có dự phòng. Tuy nhiên, miền Nam sẽ không thể tự cân đối cung - cầu nội miền, sản lượng điện không tự cân đối được tại miền Nam hằng năm khoảng 10 - 15% tổng nhu cầu.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, từ năm 2017, EVN sẽ phải huy động cao các nguồn điện chạy dầu ở miền Nam, riêng các năm 2018 và 2019 phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu theo khả năng phát (khoảng 8,5 tỷ kWh/năm).

Nếu phát điện bằng dầu, giá thành sản xuất điện sẽ cao hơn 2 lần so với nhiệt điện than và chắc chắn sẽ phải bù lỗ nhiều. Do đó, miền Nam luôn phải nhận điện từ miền Bắc, miền Trung qua hệ thống truyền tải điện Bắc - Nam với nhu cầu khoảng 15 tỷ kWh năm 2017 và sẽ tăng lên 21 tỷ kWh vào năm 2019.

Tuy nhiên, hiện tại năng lực truyền tải điện vào miền Nam chỉ đáp ứng được 18,5 tỷ kWh/năm (đạt ngưỡng giới hạn truyền tải Bắc - Nam). Do đó, giải pháp cấp bách hiện nay là khẩn trương xây dựng đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, nhằm tăng cường khả năng truyền tải điện từ miền Trung vào miền Nam, với sản lượng khoảng 5 tỷ kWh/năm.

“Trường hợp kịp đưa vào vận hành trong năm 2019, sẽ giảm được tình trạng thiếu điện tại miền Nam và giảm được sản lượng phải huy động nguồn nhiệt điện dầu”, ông Dương Quang Thành, khẳng định.

Trước nhiệm vụ cấp bách này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh tiến độ thi công đường dây 500 kV mạch kép Quảng Trạch - Vũng Áng, Quảng Trạch - Dốc Sỏi, Dốc Sỏi – Pleiku 2, chuyển tiến độ dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030 đẩy sớm hơn 5 năm, tức là sẽ thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Vũ Ngọc Minh – Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, đường dây mạch 3 sẽ tăng cường liên kết hệ thống và tối ưu sản xuất, truyền tải trong hệ thống điện quốc gia thông qua lưới điện 500 kV. Đây là phương án truyền tải công suất của các nhà máy điện hiện có, bù đắp trong trường hợp thiếu hụt điện năng cục bộ của từng miền, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Năng lực truyền tải qua đường dây 500 kV Bắc - Nam đã đạt ngưỡng giới hạn 

Vẫn vướng mắc giải phóng mặt bằng

Theo Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) – đơn vị được giao quản lý, điều hành Dự án, để đảm bảo Dự án khởi công vào tháng 9/2017 và đóng điện vào tháng 3/2019 (khoảng 18 tháng), sẽ có 2 khó khăn lớn ảnh hưởng tiến độ thực hiện. Thứ nhất, thời tiết miền Trung những năm gần đây diễn biến bất thường, mùa mưa kéo dài, cộng với lũ lụt là trở ngại rất lớn trong quá trình thi công.

Thứ hai, khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) bởi công trình dài hơn 700 km, đi qua 9 tỉnh, thành. Để giải quyết vấn đề này, CPMB sẽ kiểm soát và thực hiện nghiêm từ khâu đăng ký sử dụng đất cho từng dự án, đến thành lập hội đồng bồi thường, triển khai sớm công tác bồi thường GPMB… Đồng thời xây dựng kế hoạch bồi thường GPMB cụ thể cho từng tỉnh có đường dây đi qua, rà soát, phê duyệt và tổ chức thực hiện, trong đó đề xuất những cơ chế đặc thù đối với những công trình trọng điểm cấp bách này. 

“Đặc biệt, CPMB sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền ở địa phương, với các ban ngành, thông qua hội đồng bồi thường, vận động các hộ dân, các tổ chức bị ảnh hưởng ủng hộ Dự án. Phối hợp chặt chẽ với hội đồng bồi thường, Trung tâm phát triển quỹ đất các quận/huyện để thực hiện những công việc theo đúng chủ trương và kế hoạch” - ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB cho biết.

Về vấn đề này, theo ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, với tính cấp bách, Dự án về đích sớm ngày nào tốt ngày đó. Tuy vậy, để đảm bảo được tiến độ, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải tích cực vào cuộc, tháo gỡ khó khăn trong bồi thường GPMB, hỗ trợ EVN đảm bảo được tiến độ, nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước giao, đó là đảm bảo điện cho đất nước, trong đó có miền Nam”. 

Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình:

UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị ngay sau khi có quyết định thu hồi đất, người dân nhận tiền đền bù, cần phải phối hợp với chủ đầu tư bàn giao mặt bằng. Tỉnh Quảng Bình sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư cũng như sẽ có chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo tiến độ khởi công và thi công công trình theo yêu cầu của Chính phủ.

Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị:

Việc triển khai Dự án không chỉ là nhiệm vụ của ngành Điện mà cũng là nhiệm vụ của tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi sẽ chung tay cùng giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc, kịp thời bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để triển khai Dự án, kịp thời đưa vào vận hành đúng tiến độ. 

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng:

Trong quá trình GPMB, nên thực hiện linh hoạt, hoàn thành bồi thường và giải phóng mặt bằng đến đâu thì bàn giao cho ngành Điện đến đó. Chính quyền địa phương và hội đồng đền bù cũng cần quản lý chặt chẽ về đền bù, giải tỏa, tránh trường hợp dân lấn chiếm đất đai, gây khó khăn cho việc GPMB sau này. Tất cả mọi việc cần phải được thực hiện một cách quyết liệt và triệt để, thì Dự án mới có thể thi công và hoàn thành trong 18 tháng.

 


  • 13/04/2017 10:14
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 16118