Xây dựng nhà máy công nghệ điện thủy triều đầu tiên ở Đông Nam Á

Tập đoàn Năng lượng Biển Inyanga sẽ xây dựng nhà máy năng lượng thủy triều đầu tiên ở Đông Nam Á, cung cấp năng lượng cho hòn đảo không có lưới điện bền vững.

Công ty năng lượng Energies PH ở Philippines, thông qua chi nhánh của họ là Tập đoàn Điện lực Đại dương San Bernardino, đã ký hợp đồng với Tập đoàn Năng lượng Biển Inyanga của Vương quốc Anh.

Tập đoàn Inyanga sẽ triển khai nhà máy điện mới dùng công nghệ dòng thủy triều HydroWing đã được cấp bằng sáng chế. Hydrowing là hệ thống thiết bị năng lượng thủy triều với nhiều mô-đun, mỗi mô-đun từ 1 đến 2 cánh, trên mỗi cánh có từ 2 đến 5 tua bin để quay tạo ra dòng điện. Dự án này sẽ được đặt ở đảo Capul xa xôi phía bắc Samar ở Philippines, dọc theo eo biển San Bernardino.

Hệ thống tua bin dòng thủy triều HydroWing khi tạo năng lượng sẽ đạt công suất 1 megawatt (MW). Nó được kết nối với mạng lưới điện trên Capul, vốn là hòn đảo không có lưới điện chính thống, đang sử dụng nhà máy điện chạy nhiên liệu diesel công suất 750 kW, chỉ 8 đến 16 giờ cung cấp điện mỗi ngày và thường xuyên bị mất điện. 

Khi hoàn thành và dự kiến ​​hoạt động vào cuối năm 2025, nhà máy điện thủy triều HydroWing sẽ giúp hòn đảo thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch, sử dụng năng lượng sạch đáng tin cậy, an toàn, bền vững với môi trường hơn.

Tập đoàn Năng lượng Biển Inyanga của Anh sẽ xây dựng nhà máy năng lượng thủy triều đầu tiên ở Đông Nam Á

Richard Parkinson, giám đốc điều hành của Tập đoàn Năng lượng Biển Inyanga của Anh, cho biết: “Chúng tôi rất vui khi hợp tác với Energies PH để thực hiện dự án chuyển đổi này cho khu vực. Năng lượng dòng thủy triều là dạng năng lượng tái tạo đáng tin cậy. Công nghệ HydroWing của chúng tôi đang ở giai đoạn đổi mới tiên tiến, sẽ cung cấp các giải pháp tiết kiệm chi phí để khai thác năng lượng từ thủy triều”.

Còn Antonio Ver, đồng chủ tịch và CEO của Công ty năng lượng Energies PH ở Philippines chia sẻ: “Khi chúng tôi bắt tay vào xây dựng dự án điện thủy triều tiên phong này cho Philippines, tầm nhìn của chúng tôi là muốn nhân rộng công nghệ năng lượng này ở một số địa điểm khác không có lưới điện hoàn chỉnh. Chúng tôi coi dự án ban đầu ở Capul là bệ phóng để đạt được mục tiêu giúp tạo ra các cộng đồng bền vững trên khắp Philippines. Nguồn điện từ năng lượng thủy triều đến được với các gia đình ở vùng sâu vùng xa, giúp họ tiếp cận tốt hơn với giáo dục, dịch vụ y tế cũng như cơ hội sinh kế”.

Link gốc


  • 06/02/2024 03:21
  • Theo vtc.vn
  • 4243