Theo chân ông Hà Ngọc Thống – Giám đốc Nhà máy Tân Long – Đà Nẵng, đến một trong 3 phân xưởng sản xuất của Nhà máy. Chúng tôi đã được mục sở thị những trang thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng đã được Nhà máy đầu tư.
Chỉ tay về phía hệ thống nghiền thủy lực, có công suất 100 kW, một trong những hệ thống tiêu tốn khá nhiều năng lượng của Nhà máy, ông Hà Ngọc Thống nói: “ Trước đây mỗi lần hệ thống này khởi động sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống của các phân xưởng khác, điện áp sụt gây khó khăn đến sản xuất, kinh doanh. Nhưng từ khi Nhà máy thay thế thiết bị mới, bằng hệ thống khởi động power (khởi động mềm và biến tần), đã giúp cho việc hoạt động sản xuất được ổn định hơn. Ngoài ra, xét theo công suất thực tế, sử dụng như thế nào thiết bị sẽ tự điều chỉnh tần số của dòng điện, giúp tránh tổn thất điện năng, tiết kiệm điện cho Nhà máy”.
Giám đốc Hà Ngọc Thống cho biết, thời gian đầu khi Nhà máy mới đi vào hoạt động (năm 1999), với quy mô vừa và nhỏ, nên Nhà máy chủ yếu nhập thiết bị sản xuất của Trung Quốc (thế hệ năm 1970). Trong khi đó, ngành Giấy là một ngành tiêu tốn khá nhiều năng lượng, tiền điện chiếm khoảng 6% cơ cấu giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng tìm kiếm các biện pháp vừa tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất và nâng cao doanh thu cho Nhà máy.
|
Việc kiểm soát tiêu thụ năng lượng trong từng khâu sản xuất giấy giúp tiết kiệm chi phí rất lớn cho doanh nghiệp - Ảnh: Thu Hà. |
Trước khi có kinh phí đầu tư những thiết bị mới, Nhà máy tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từng bước hình thành ý thức tiết kiệm điện cho mỗi CB-CNV. Đồng thời, cử các cán bộ kỹ thuật đi học tập, tìm hiểu về công nghệ tiết kiệm năng lượng mới trên thị trường. Một lĩnh vực tiêu thụ điện tại Nhà máy cũng được quan tâm đặc biệt trong những dịp đầu tư, thay thế thiết bị công nghệ, đó là điện cho chiếu sáng.
Theo Giám đốc Hà Ngọc Thống, mặc dù điện cho chiếu sáng chiếm tỷ lệ khá nhỏ nhưng vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Mỗi phân xưởng, bộ phận đều có các cán bộ quản lý trực tiếp và hướng dẫn, nhắc nhở bật, tắt đúng quy định nhưng vẫn phải đảm bảo đủ độ sáng để làm việc. Điện cho chiếu sáng của Nhà máy được giao cho phân xưởng cơ điện chịu trách nhiệm chính quản lý và sử dụng điện trong toàn bộ Nhà máy. Một giải pháp để tiết kiệm điện trong sản xuất cũng được Nhà máy Tân Long – Đà Nẵng sử dụng trong thời gian qua, đó là giải pháp lắp thêm những mô tơ cho máy say nhiên liệu, nhằm hạn chế thất thoát điện trong trường hợp máy chạy non tải.
“Với thực tế của Nhà máy vẫn đang tồn tại song song thiết bị cũ và thiết bị mới tiết kiệm năng lượng nên việc tiết kiệm này vẫn chưa đạt được như mong muốn. Nên trong kế hoạch của Nhà máy Tân Long – Đà Nẵng, trong vòng 2 năm tới, Nhà máy Tân Long đặt mục tiêu sẽ thay đổi toàn bộ thiết bị cũ tiêu tốn nhiều năng lượng, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc tiết kiệm năng lượng qua đó nâng cao sản lượng điện tiết kiệm vượt trên 20% như hiện nay. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và mang lại doanh thu lợi nhuận hàng năm cho Nhà máy”, Giám đốc Hà Ngọc Thống chia sẻ.
Nhà máy Tân Long – Đà Nẵng (thuộc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu), kinh doanh trong lĩnh vực: Thùng giấy, thùng carton, bao bì…Với 3 phân xưởng sản xuất gồm giấy, bao bì, cơ khí cùng trên 200 CB-CNV lao động. Hàng năm Nhà máy đạt công suất trên 15.000 tấn giấy, bao bì/năm, tương đương khoảng 10 triệu m2/năm.
|