Được thông qua ngày 14/10, đây là một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý về việc cắt giảm khí nhà kính với thời gian biểu cụ thể và đưa ra quy định về việc các quốc gia giàu hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia nghèo trong việc cắt giảm khí HFC (hydrofluorocarbon, một loại khí nhà kính nguy hiểm hơn 10.000 lần so với khí CO2).
Hiệp định này, với sự tham gia của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, sẽ chia các quốc gia thành 3 nhóm với những thời hạn khác nhau cho việc cắt giảm sử dụng khí hydrofluorocarbon (HFC).
Các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu cam kết giảm 10% lượng khí HFC sử dụng vào năm 2019 và lên tới 85% vào năm 2036. Các quốc gia đang phát triển cam kết ổn định mức khí HFC sử dụng vào năm 2024 hoặc 2028 và sau đó sẽ bắt đầu cắt giảm.
Việc cắt giảm triệt để lượng khí HFC sẽ góp phần quan trọng nhằm làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, có thể giảm 0,5 oC so với mức tăng nhiệt độ dự tính vào năm 2100.
So với thỏa thuận Paris, Hiệp định Kigali lần này có tính ràng buộc pháp lý với thời gian biểu cụ thể và đưa ra quy định về việc các quốc gia giàu hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia nghèo trong việc cắt giảm khí HFC nguy hiểm.