Cuộc thi nhằm khuyến khích các thành phố trên khắp thế giới chuyển đổi theo mô hình phát triển đô thị bền vững thông qua các giải pháp về khí hậu đầy sáng tạo, đổi mới và tham vọng.
Theo WWF, các thành phố phát thải 70% lượng carbon trên thế giới. Do đó, các giải pháp nhằm giảm thiểu lượng phát thải carbon của các thành phố đóng vai trò quan trọng trong hành trình cải thiện biến đổi khí hậu của trái đất.
Bà Phạm Cẩm Nhung, Quản lý chương trình Năng lượng Bền vững WWF Việt Nam cho biết: Các cam kết và hành động để giảm phát thải carbon sẽ được các thành phố xây dựng trong thời gian tới với sự hỗ trợ kỹ thuật của WWF Việt Nam. Chúng tôi tự hào với nhiệt huyết và cam kết của các thành phố này đối với việc giảm phát thải carbon - một xu hướng toàn cầu hiện nay.
Các cam kết và kế hoạch của các thành phố sẽ được đánh giá bởi hội đồng chuyên gia quốc tế độc lập trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quy hoạch đô thị và giao thông cho tới hành vi tiêu dùng và hệ thống năng lượng. Những thành phố có mục tiêu tham vọng nhất sẽ đạt danh hiệu Thành phố xanh quốc gia, và một trong số các thành phố này sẽ được tôn vinh là thành phố xanh Quốc tế của OPCC.
Biển hiệu dành cho người đi bộ và đạp xe của thành phố Vancouver, thành phố đạt giải Thành phố xanh Quốc tế năm 2013 - Ảnh: WWF
|
Ông Marco Lambertini, Tổng giám đốc của WWF Quốc tế cho biết: “Các thành phố có thể là hình mẫu và nguồn cảm hứng cho một thế giới bền vững. Những chính sách khí hậu tiến bộ của chính quyền địa phương có thể giảm đáng kể tác động của giao thông, nhà ở và các lĩnh vực phát thải nhiều carbon khác, qua đó, tạo nên những thành phố xanh hơn, khoẻ mạnh hơn và đáng sống hơn cho con người.”
Năm 2017 là năm thứ 5 - OPCC thực hiện chương trình. Kể từ khi ra đời, OPCC đã thu hút được hơn 320 thành phố tại 5 châu lục tham gia.
Đề xuất của các thành phố sẽ được xem xét với những tiêu chí được đặt ra bởi WWF, trong đó đặc biệt tập trung vào: Mức độ tham vọng và khả năng thực hiện các cam kết và những hành động tạo ra biến chuyển lớn; khả năng tích hợp các hoạt động vào kế hoạch hành động toàn diện và bao quát về khí hậu; xác định rõ ràng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính dựa trên cơ sở minh bạch và được tính toán khoa học; phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề giao thông đô thị.
Năm nay chương trình có 25 nước đăng kí tham gia, các thành phố có quan tâm xin đăng ký tại http://carbonn.org/climateregistry /. Danh sách các thành phố lọt vào vòng chung kết sẽ được công bố vào mùa xuân năm 2018.
Thông tin chi tiết và hướng dẫn để tham gia có thể tham khảo tại: www.panda.org/opcc
Năm 2016, thành phố Huế là đại diện duy nhất và đầu tiên của Việt Nam tham dự chương trình. Cùng với 17 thành phố khác trên thế giới, Huế tự hào nhận danh hiệu thành phố Xanh quốc gia.
Để có được danh hiệu này, Huế đã cam kết đến năm 2020, thành phố sẽ giảm 20% mức phát thải khí nhà kính so với mức phát thải của năm 2011 và 06 kế hoạch hành động tập trung vào xanh hoá đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước và rác thải hiệu quả, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện môi trường.
|