1. Chọn hướng nhà: Bên cạnh việc chọn hướng nhà hợp với tuổi của gia chủ, việc chọn hướng có lợi,tận dụng được ánh sáng và gió tự nhiên cũng rất quan trọng.Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa: Gió mùa Đông Bắc (mùa Đông) và gió mùa Đông Nam (mùa Hè). Vì vậy, chọn nhà hướng Nam và Đông Nam là phương án hợp lý nhất vì vừa tránh được gió nóng từ hướng Tây, gió lạnh từ hướng Bắc, nhưng vẫn tận dụng được gió mát từ hướng Nam.
Gentle House (Long Biên, Hà Nội) - Ngôi nhà tiết kiệm tới 70% điện năng -
ảnh: Oki Hiroyuki
|
Tuy nhiên, trong thực tế, không phải mảnh đất nào cũng lựa chọn được hướng nhà theo ý muốn. Vì vậy, với những ngôi nhà có hướng Đông hoặc hướng Tây, cần thực hiện các giải pháp khắc phục như: Che nắng cửa sổ, cửa chính của ngôi nhà bằng cách trồng cây xanh, sử dụng vật liệu cách nhiệt để hạn chế bức xạ nhiệt của mặt trời...
2. Tận dụng ánh sáng tự nhiên: Khi thiết kế ngôi nhà, cần bố trí hệ thống cửa sổ hợp lý để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Theo các chuyên gia, nên chọn loại cửa sổ cao và hẹp sẽ tốt hơn loại cửa thấp mà rộng (cùng một diện tích cửa); cửa phải dễ dàng đóng mở và đảm bảo yêu cầu chống mưa, nắng.
3. Chọn vật liệu thân thiện với môi trường: Lựa chọn vật liệu cũng là khâu quan trọng góp phần tiết kiệm điện cho ngôi nhà. Những vật liệu xây dựng có khả năng TKNL, bảo vệ môi trường như: Gạch không nung, tường cách nhiệt 3D, kính TKNL…
Một bức tường gạch không nung dày 10 cm có khả năng cách nhiệt tương đương với bức tường gạch nung dày 40cm. Nhờ đó, ngôi nhà sẽ mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, tiết kiệm được điện năng dùng để sưởi hoặc làm mát. Tương tự, kính TKNL vừa có tác dụng tận dụng được ánh sáng tự nhiên, vừa góp phần ngăn nhiệt nóng từ bên ngoài tác động vào ngôi nhà (mùa hè), giảm khả năng thoát nhiệt từ trong nhà ra ngoài.
Theo kiến trúc sư Lê Lương Ngọc, thông thường trong nhà, hệ thống điều hòa nhiệt độ chiếm khoảng 65% lượng điện năng tiêu thụ, 25% dành cho chiếu sáng và 10% còn lại là các thiết bị điện khác. |
4. Trồng nhiều cây xanh: Trồng nhiều cây xanh quanh nhà, trên ban công, bên khung cửa sổ... vừa tạo không khí mát mẻ, trong lành, vừa góp phần ngăn ánh nắng từ bên ngoài vào nhà, góp phần giảm nền nhiệt độ cho ngôi nhà, đặc biệt là vào mùa hè. Từ đó, hạn chế được việc sử dụng điều hòa nhiệt độ hoặc các thiết bị làm mát khác.
5. Sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao: Như đèn LED, đèn compact… Nếu có điều kiện, có thể sử dụng hệ thống chiếu sáng thông minh, điều khiển tắt/bật tự động khi không có người sử dụng.
6. Sử dụng hệ thống điều hòa không khí công nghệ inverter: So với máy điều hòa nhiệt độ công nghệ thường, điều hòa không khí công nghệ biến tần (inverter) tiết kiệm từ 20-60% lượng điện năng tiêu thụ. Cụ thể, khi khởi động, máy nén của điều hòa inverter chạy từ từ, giảm lượng điện năng tiêu thụ trong quá trình khởi động. Sau đó, tốc độ vòng quay của máy nén tăng dần, khi hệ thống làm lạnh đạt nhiệt độ yêu cầu, máy nén sẽ quay chậm lại nên tiêu hao ít điện năng.
7. Hệ thống cấp thoát nước tiết kiệm năng lượng: Sử dụng các thiết bị vệ sinh thế hệ mới, nhằm tiết kiệm lượng nước sử dụng. Ngoài ra, nên xây dựng hệ thống tận dụng nước mưa, nước thải từ vòi sen, vòi rửa tay..., nhằm tái sử dụng để làm mát ngôi nhà, tưới cây... Đặc biệt, nên sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện năng.