ADB hỗ trợ Việt Nam phát triển điện từ rác thải

Thông tin từ ADB News cho biết, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa thống nhất ký kết một hiệp định vay vốn với Tập đoàn China Everbright International Limited (CEIL) hỗ trợ phát triển các nhà máy năng lượng từ rác thải (WTE) tại các khu đô thị loại 1 và loại 2 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam). Hiệp định có giá trị lên đến 100 triệu USD. Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo ông Christopher Thieme - phụ trách lĩnh vực kinh doanh tư nhân của ADB, hiệp định này sẽ là bước phát triển cho một mô hình mới để cải thiện công tác quản lý chất thải rắn tại các thành phố, từ đó hỗ trợ giảm nhẹ sự thay đổi của khí hậu bằng cách giảm lượng khí Metan và tăng cường sản sinh năng lượng từ các nguồn tái tạo.

Mỗi năm, Việt Nam thải tổng cộng 28,7 triệu tấn rác ra môi trường tự nhiên, song hầu hết số lượng chất thải đều chỉ được thu gom và xử lý sơ sài tại các bãi rác không đảm bảo vệ sinh. Điều này trở thành một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe của các cộng đồng dân cư lân cận, trong đó đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là người nghèo.

Nhận thấy được tầm quan trọng của công tác xử lý và chuyển hóa rác thải thành năng lượng, biện pháp tốt nhất là tận dụng hoạt động của những nhà máy WTE để giảm bớt 90% lượng chất thải và loại bỏ tối đa khí thải nhà kính.

Thông qua sự hỗ trợ của ADB, CEIL sẽ tiến hành xây dựng và vận hành hàng loạt các nhà máy WTE mới với công nghệ tiên tiến tại nhiều đô thị ở Việt Nam. Nhiệm vụ của mỗi nhà máy là tập trung xử lý rác thải đô thị và cung cấp điện cho hệ thống điện ở từng địa phương.

Ngoài ra, CEIL cũng cam kết sẽ đầu tư nhiều hơn cho các dự án WTE ở Việt Nam, thúc đẩy quá trình xử lý, tái sử dụng rác thải sinh hoạt ở các thành phố.

Ông Wang Tianyi - Giám đốc điều hành của Everbright International cho biết, chúng tôi rất vui mừng khi tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ ADB. Nhìn về tương lai, dựa trên mối quan hệ đối tác bền chặt,CEIL cam kết sẽ cùng với ADB tiếp tục khai thác tiềm năng phát triển cho cả hai bên ở thị trường tiềm năng Việt Nam, cũng như tận dụng hết khả năng, thế mạnh của mình để thực hiện chuỗi dự án phát triển dài hạn.

Kế hoạch hỗ trợ này nhằm mục tiêu đem lại lợi ích về môi trường, kinh tế, xã hội phù hợp với chiến lược "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện, cải thiện tính bền vững của môi trường và hội nhập khu vực" của ADB đến năm 2020.


  • 06/02/2018 10:42
  • Nguồn: ADB News
  • 2113