Mô hình nhà ở tự cung cấp điện năng này đã được thử nghiệm tại các cụm dân cư tiêu thụ nhiều năng lượng tại Swansea, Anh, và đã chứng minh hiệu quả của nó. Kết quả cho thấy mỗi ngôi nhà theo mô hình “tự cung tự cấp” này có thể giúp các hộ gia đình cắt giảm được 60% hóa đơn tiền điện, và tiết kiệm đến 600 bảng Anh một năm.
Trước lợi ích đáng kể của mô hình nhà ở thông minh này, nước Anh đang lên kế hoạch phát triển khái niệm nhà ở xã hội Active Homes Neath, áp dụng phương châm "ngôi nhà ở như một nhà máy điện", sẽ bao gồm mái nhà năng lượng mặt trời, kho ắc quy trữ điện và trạm sạc xe điện.
Bộ thu năng lượng mặt trời lắp ở phần tường phía nam ngôi nhà sẽ làm nóng nước trong nhà. Nhiệt thải được tái chế và sử dụng bên trong ngôi nhà và các công nghệ tương tự sẽ giúp tiết kiệm đến 60% tiền điện.
Các chuyên gia đã tính toán được rằng xây dựng 1 triệu ngôi nhà như thế này sẽ làm giảm lượng khí thải carbon dioxide gần 80 triệu tấn trong 40 năm và giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm tương đương công suất một nhà máy điện trung tâm lớn. Hiện Anh đã phát triển 16 ngôi nhà mới để cư dân có thể dọn đến ở vào mùa xuân năm 2019.