Biến rác thải thành năng lượng: Lợi ích nhiều mặt

Biến rác thải thành nguồn năng lượng mới thay thế than sử dụng trong nhà máy giấy, xi măng, thép… đang là mục tiêu của chương trình hợp tác giữa Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) và các đối tác đến từ Nhật Bản. Mới đây, phế liệu giấy và nilon của Hà Nội đã được chuyển về Nhật Bản để sản xuất thử nghiệm và cho những kết quả khả quan. Mô hình này còn giúp giảm thiểu diện tích chôn lấp rác thải.

Theo ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty URENCO, chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Hà Nội vào khoảng gần 6.000 tấn/ngày, trên 90% lượng CTR sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Phần còn lại xử lý bằng các công nghệ khác như sản xuất phân compost hoặc đốt.

Do vậy, nhu cầu quỹ đất dành cho chôn lấp rác thải là rất lớn. Việc tái chế, tái sử dụng CTR chủ yếu tập trung và các cơ sở thu mua phế liệu tư nhân hoặc một số làng nghề (như tái chế nhựa ở Triều Khúc, huyện Thanh Trì, tái chế túi nilon ở Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ)… Song quy trình tái chế này còn lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường.

Chương trình hợp tác biến rác thành năng lượng sẽ giúp cho Hà Nội giảm diện tích đất để xử lý rác thải (Ảnh minh họa)

Đại diện Công ty CP Kỹ thuật Môi trường Ichikawa (Nhật Bản) cho biết: Viên đốt RPF là nhiên liệu thể rắn chất lượng cao, sản xuất từ nguyên liệu chính là giấy đã sử dụng và nhựa thải. Tại Nhật Bản và một số quốc gia phát triển, RPF được sử dụng rộng rãi để thay thế nhiên liệu hóa thạch như than đá, than cốc trong ngành sản xuất xi măng, thép, giấy, đường, nhà máy nhiệt điện… do giá thành RPF chỉ bằng gần một nửa so với than. Việc sử dụng RPF còn giúp kiểm soát lượng nhiệt một cách dễ dàng và giảm lượng khí thải CO2 thải ra môi trường.

Từ năm 2010, Công ty Ichikawa đã cùng URENCO nghiên cứu, hợp tác chế biến RPF. Rác thải nhập từ Việt Nam đã được thực nghiệm tái chế thành RPF tại nhà máy của Công ty Ichikawa tại Nhật Bản cho chất lượng tốt, được các nhà khoa học đánh giá cao.

Trong quyết định phê duyệt chương trình đầu tư xử lý CTR giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu: giai đoạn đến năm 2015, 85% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng.

Giai đoạn 2016-2020, 90% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng. Theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng, trong các giai đoạn tới, tỷ lệ CTR sinh hoạt được xử lý bằng các công nghệ như tái chế, tái sử dụng, chế biến phân hữu cơ, chế biến thành nhiên liệu đốt… phải đạt khoảng 85%. Tỷ lệ CTR còn lại phải chôn lấp không được vượt quá 15%.

Ông Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng, Việt Nam đang khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để tái chế CTR sinh hoạt nhằm giảm tỷ lệ chôn lấp tới mức tối đa. Cho tới nay, vẫn chưa có nhà máy sản xuất RPF nào tại Việt Nam. Trực tiếp nghiên cứu về công nghệ và quan sát thực tế dây chuyền sản xuất viên đốt RPF tại Nhật Bản, tôi cho rằng mô hình này hoàn toàn khả thi cho các đô thị của Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, từ sau năm 2015, Việt Nam có khả năng thiếu than đá. Từ khi chính thức nhập khẩu than đá, giá mặt hàng này ở trong nước sẽ tăng lên bằng giá quốc tế.

Do vậy, đại diện Công ty URENCO khẳng định việc sản xuất và kinh doanh RPF tại Việt Nam rất khả thi do đây là nguồn năng lượng mới, thân thiện với môi trường. Sản xuất RPF giúp giảm đáng kể diện tích chôn lấp rác thải vốn đang là vấn đề "nóng" của Hà Nội do giấy và nilon đã được phân loại. URENCO và Ichikawa đang chuẩn bị triển khai xây dựng nhà máy sản xuất RPF tại Việt Nam vào năm 2013-2014. Dự kiến nhà máy này sẽ được đặt tại Sóc Sơn.


  • 25/05/2012 05:06
  • Theo Hà Nội mới
  • 3164


Gửi nhận xét