Nhiều doanh nghiệp đã cải tiến dây chuyền sản xuất nhằm tiết kiệm năng lượng - Ảnh: Mai Nhiệm. |
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL & PTBV), Bộ Công Thương chủ trì và đại diện các Sở Công Thương, các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp các tỉnh thành trên cả nước cùng tham dự và góp ý trong Hội thảo.
Theo báo cáo từ Vụ TKNL & PTBV, CTQG về SDNL TK&HQ giai đoạn 1 (2006-2010) đã tiết kiệm được 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ trên cả nước, tương đương 4,9 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), và con số này của giai đoạn 2 (2011-2015) là 5,65% tương đương 11,2 triệu TOE. Ngoài những đóng góp về mặt nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp doanh nghiệp cải tiến dây chuyền sản xuất; thay đổi công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao; tiết kiệm năng lượng... kết quả thực hiện Chương trình còn là tiền đề để Quốc hội thông qua dự thảo Luật Sử dụng năng lượng TK&HQ.
Với những kết quả đã đạt được của Chương trình trong giai đoạn 2006-2015, Chính phủ tiếp tục giao cho Bộ Công Thương chủ trì xây dựng CTQG về SDNL TK&HQ giai đoạn 2019-2030.
Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ về SDNL TK&HQ cho biết: Các dự án đề xuất của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3) gồm: Tăng cường phổ biến thông tin, kiến thức và hướng dẫn cách thức thực hành, sử dụng trang thiết bị hiệu quả năng lượng và các công nghệ tiết kiệm năng lượng hiệu suất cao; Hoàn thiện thể chế và phát triển thị trường sản phầm, công nghệ, thiết bị hiệu suất năng lượng cao và dịch vụ tiết kiệm năng lượng; Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng; Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông vận tải, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và vào hệ thống giáo dục quốc gia.
Theo đó, tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2019 - 2030 là 1.800 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách trung ương 600 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 600 tỷ đồng, vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài 500 tỷ đồng, nguồn vốn khác 100 tỷ đồng).
Một trong những cơ sở khác để triển khai CTQG về SDNL TK&HQ giai đoạn tiếp theo đó là các khảo sát và tính toán cho thấy Việt Nam còn nhiều cơ hội kỹ thuật để giảm thất thoát và lãng phí trong sử dụng năng lượng trên tất cả các lĩnh vực. Trong bài phát biểu về cơ chế tài chính trong đầu tư giải pháp TKNL, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cho biết: "Sau 20 năm triển khai hoạt động TKNL thì tiềm năng TKNL tại Việt Nam vẫn còn ở mức cao hơn nhiều so với các nước tiên tiến như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Đây là điều đáng buồn, tuy nhiên lại là cơ hội nếu xét theo góc độ của các nhà đầu tư tài chính". Theo ông Tước, mô hình đầu tư tài chính ESCO là một cơ chế đầu tư rất tiềm năng tại Việt Nam, tuy nhiên cũng không ít rủi ro. Ngoài việc lựa chọn công nghệ phù hợp, thoả thuận mức TKNL với đối tác, xác định thời gian thu hồi vốn, tính toán hiệu quả đầu tư... thì các công ty ESCO cần phải tìm hiểu kỹ về độ ổn định thị trường của doanh nghiệp bởi đây là yếu tố có tính rủi ro cao.
Với những cơ sở như trên, CTQG về SDNL TK&HQ giai đoạn 2019-2030 đặt ra mục tiêu rõ ràng: Tiết kiệm 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc tương đương 50-60 triệu TOE; giảm tối thiểu 8% suất tiêu hao năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng; hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về sử dụng NL TK&HQ; tạo lập thi trường dịch vụ TKNL; thúc đẩy thị trường thiết bị hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng...
"Chúng tôi kỳ vọng Chương trình sẽ đạt được mục tiêu về TKNL trong toàn xã hội, giảm cường độ năng lượng trong các ngành, lĩnh vực kinh tế của nước ta hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững. CTQG về SDNL TK&HQ giai đoạn 2019-2030 cũng được kỳ vọng sẽ có những đóng góp đáng kể trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính tại thoả thuận Paris năm 2015" - Bà Nguyễn Thị Lâm Giang chia sẻ.